Thứ Ba, 15/10/2024
KIEMSAT.VN - Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một khía cạnh trong tư tưởng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có vai trò hết sức quan trọng trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy tốt mối quan hệ phối hợp thì sẽ không còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” và từng bước thực hiện được tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 02/2013) đến nay, có nhiều bài nói, bài viết và kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điển hình là tại 04 Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (các năm 2014, 2018, 2020 và 2022), đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì và phát biểu kết luận chỉ đạo, đều chỉ rõ một trong những kinh nghiệm quan trọng để thành công đó là cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng với phương châm: Phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan nội chính với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, Nhà nước; bảo đảm đúng vai, thuộc bài, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, quyền anh, quyền tôi, cua cậy càng, cá cậy vây.
Tinh thần này của đồng chí Tổng Bí thư đã được đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và các đồng chí Ủy viên Ban cán sự, Phó Viện trưởng VKSND tối cao vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trong suốt quá trình phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn, phức tạp, góp phần vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, các đơn vị, trong đó có Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) đã chủ động tham mưu, đề xuất và kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phụ trách trong công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Điều này được minh chứng thông qua kết quả giải quyết một số vụ án lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo và một số công tác khác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện trên 4 khía cạnh chính là: (1) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; (2) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc báo cáo tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất xử lý; (3) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc cung cấp thông tin tài liệu để xử lý cán bộ; (4) Phối hợp trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế, chức vụ.
1. Công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật
Thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã phối hợp với các cơ quan trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về vấn đề giám định, định giá tài sản. Trước đây, trong một thời gian dài, công tác giám định, định giá tài sản đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Cơ quan giám định, định giá tài sản rất chậm chễ trong việc kết luận, thậm chí có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc tuy đã xác định rõ sai phạm nhưng phải tạm đình chỉ chờ kết luận giám định, định giá tài sản. Khó khăn, vướng mắc này, các cơ quan tố tụng nhiều lần báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương.
Tại phiên họp thứ 12, ngày 31/7/2017 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư đã kết luận chỉ đạo: “Giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng văn bản thống nhất về nguyên tắc và tiêu chí xác định hậu quả thiệt hại tối thiểu để có căn cứ khởi tố vụ án, tiến hành điều tra xử lý đối với những trường hợp đã rõ về hành vi sai phạm trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, nhưng không thể hoặc có khó khăn về giám định do dự án ngừng thi công, chưa quyết toán; dự án có vận hành nhưng thua lỗ kéo dài; dự án có công nghệ cao, nhiều máy móc, thiết bị, liên quan đến nhiều bộ, ngành”.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, trên cơ sở rà soát các vụ án, vụ việc bị tồn đọng, kéo dài, Vụ 5 đã chủ động tham mưu và phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng hoàn thiện để ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; trong đó quy định các trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư. Đặc biệt, Thông tư đã quy định đối với các trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại thì được xác định theo nguyên tắc lấy tổng chi phí đầu tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ hoặc được xác định theo cách thức tiền lãi suất ngân hàng và chi phí phát sinh về tiền lãi vay của các khoản vốn đầu tư khi dự án ngừng thi công hoặc ngừng hoạt động. Quy định này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương và địa phương vận dụng trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc, tháo gỡ hoàn toàn khó khăn, vướng mắc về công tác giám định đang phải tạm đình chỉ; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Liên quan đến vấn đề định giá, trong quá trình giải quyết vụ án Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại Đà Nẵng, để xác định hậu quả thiệt hại và thu hồi tài sản cho Nhà nước cần phải định giá 09 dự án đất và 32 nhà, đất công sản có sai phạm. Tại thời điểm khởi tố vụ án là tháng 4/2018 thì Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (gọi tắt là Nghị định số 30/2018) đang có hiệu lực. Theo đó, Hội đồng định giá vụ việc ở trung ương chỉ được thành lập trong trường hợp cần định giá lại, mà không thực hiện định giá lần đầu. Trong khi đó các hành vi sai phạm của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND và lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND thành phố Đà Nẵng, nếu để Hội đồng định giá tài sản ở Đà Nẵng định giá sẽ không khách quan và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ. Để tháo gỡ khó khăn này, VKSND tối cao báo cáo Ban Chỉ đạo 110 giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2018 nêu trên theo hướng thành lập Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng ở cấp Trung ương để tiến hành định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Từ tham mưu, đề xuất này, Ban Chỉ đạo 110 đã chấp thuận và trên cơ sở đề nghị của VKSND tối cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, Hội đồng định giá tài sản do Bộ Tài chính chủ trì đã khẩn trương ban hành kết luận định giá tại 6 dự án bất động sản và 22 nhà đất công sản với tổng số tiền xác định Nhà nước bị thất thoát, lãng phí là trên 22.000 tỉ đồng và là cơ sở để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Từ thực tiễn công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, thực hiện yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng với phương châm “đúng vai, thuộc bài” trong lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm và vai trò của VKSND trong việc kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản.
2. Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc báo cáo tiến độ, kết quả; những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và kiến nghị đề xuất xử lý
Trong những năm qua, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nghiêm việc phối hợp, cung cấp thông tin, kịp thời báo cáo tiến độ, kết quả, kiến nghị đề xuất xử lý các vụ án, vụ việc có vướng mắc về đánh giá chứng cứ, tội danh, khó khăn về xử lý diện đối tượng quản lý theo Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị khóa X về: “Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng” (nay là Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc). Vì vậy, những vụ án có khó khăn, vướng mắc, hoặc quan điểm xử lý khác nhau giữa các ngành đã được liên ngành tư pháp trung ương cùng với Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết; đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng yêu cầu tiến độ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm cũng đã được giải quyết dứt điểm, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, theo đúng tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư về nguyên tắc trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể”1.
3. Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để xử lý cán bộ
Trong bài phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, ngày 12/12/2020, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ nguyên tắc phối hợp trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là: “Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Tinh thần này cũng được đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Những vụ án lớn xảy ra trong thời gian qua, VKSND tối cao đã phối hợp cùng với Cục C03 Bộ Công an xây dựng báo cáo, chuyển các thông tin sai phạm của cán bộ đảng viên đến Ủy ban kiểm tra Trung ương. Trên cơ sở tài liệu điều tra, Uỷ Ban kiểm tra Trung ương ban hành Kết luận kiểm tra về vi phạm, khuyết điểm, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam. Kết quả công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để xử lý cán bộ đã đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật trong giải quyết các vụ án, đúng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Công tác phối hợp trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử
Trong những năm qua, đồng chí Bí thư Ban sán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cùng các đồng chí Ủy viên Ban cán sự, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, nên chất lượng, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được nâng lên rõ rệt. Các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đã được VKSND các cấp chủ động thực hiện, nhất là trong việc đề ra các yêu cầu điều tra và việc phối hợp với Cơ quan điều tra trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, trong việc xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng.
Nhiều trường hợp, trước khi khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, Viện kiểm sát đã chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra tổ chức họp liên ngành ngay từ giai đoạn thụ lý nguồn tin, kể cả sự tham gia của đại diện Ban Nội chính, Tòa án để cùng đánh giá, trên cơ sở đó mới quyết định việc khởi tố.
Trong giai đoạn xét xử, công tác phối hợp cũng được chú trọng: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, lãnh đạo Viện kiểm sát đã chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên họp liên ngành giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để có kế hoạch xét xử và bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau phiên tòa, ví dụ việc cách ly bị cáo, bảo vệ nhân chứng… có vụ án Viện kiểm sát cử cán bộ cùng với cán bộ dẫn giải của Công an đi sát các bị cáo trong suốt quá trình dẫn giải và xét xử. Quá trình xét xử, Kiểm sát viên đã chủ động phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; có những vụ án, Điều tra viên cùng phải có mặt để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu, giúp phiên tòa đạt kết quả tốt (phiên tòa không bị hoãn, xét xử đúng thời gian dự kiến và đảm bảo tranh tụng tại phiên tòa theo kế hoạch), điển hình là vụ án Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, để có căn cứ buộc tội cần có lời khai của nhân chứng, nhưng nhân chứng không dám đến, Kiểm sát viên đã yêu cầu Điều tra viên đến nhà gặp động viên và đưa nhân chứng đến phiên tòa, hoặc là việc Kiểm sát viên thông qua Điều tra viên và cán bộ dẫn giải áp dụng một số phương pháp tác động tâm lý bị cáo để bị cáo thành khẩn khai báo.
Công tác phối hợp trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử phải hết sức linh hoạt, tùy vào việc cụ thể để đạt hiệu quả. Có vụ việc phải phối hợp với Cơ quan điều tra trước, nhưng có việc phải phối hợp với Tòa án trước và có việc cần phối hợp ngay từ đầu với Ban Nội chính để có định hướng.
Như vậy, có thể nói việc chú trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật và quy định của Đảng giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, theo đúng tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư: “Phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực tiễn. Phát huy tốt mối quan hệ phối hợp thì sẽ không còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” và từng bước thực hiện được tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đã cho thấy ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm qua đã rất nỗ lực với trách nhiệm cao, đã cụ thể hóa rất rõ nét tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng thực hành quyền công tố và giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ; trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã được các đơn vị kiểm sát điều tra trong toàn ngành triển khai, nghiêm túc thực hiện, góp phần nâng cao uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống chính trị và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, là động lực để ngành Kiểm sát nhân dân quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay.