Thứ Ba, 10/09/2024
Tapchitoaan.vn - TRẦN TIẾN DŨNG - Ô nhiễm môi trường và các hậu quả của nó đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường hiện nay còn gặp một số khó khăn và rào cản pháp lý.
1. Quy định của pháp luật
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là nền tảng phát triển của bất cứ quốc gia nào xét diện ở các khía cạnh tăng trưởng, xã hội, an ninh, văn hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp cần đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, theo đó tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường được coi là ba trụ cột. Thực tiễn ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây cho thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng trở nên đáng báo động.
Dù pháp luật đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thiết lập cơ chế thực thi quy định này, song việc thực thi trách nhiệm bồi thường trên thực tế rất khó khăn do vướng mắc trong việc xác định, chứng minh thiệt hại....
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng; theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác thì phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi hiện trạng môi trường và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ tính chất thiệt hại xảy ra, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được chia thành hai loại: (1) Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do làm ô nhiễm môi trường (bao gồm các thiệt hại về môi trường đất, nước, hệ sinh thái, động, thực vật - thường được gọi là thiệt hại trực tiếp hay thiệt hại nguyên phát) và (2) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác (thường được gọi là thiệt hại gián tiếp hay thiệt hại thứ phát). Trong mối quan hệ giữa hai loại thiệt hại này thì thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là loại thiệt hại xảy ra trước. Còn thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cụ thể chỉ phát sinh sau khi có hậu quả là suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Do vậy, có thể thấy muốn xác định được có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp do ô nhiễm môi trường thì phải xác định được có thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tại khu vực đó.
Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định trong một số văn bản luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường theo quy định tại Điều 114 Nghị định 08/2022/NĐ-CP…
Hiến pháp năm 2013 (Điều 63) quy định “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản pháp luật khác cũng quy định cụ thể về trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Điều 602, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định như sau: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”
Theo quy định trên, cá nhân, tổ chức có hành vi làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại, ngoài việc phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật chuyên ngành thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại, kể cả chủ thể đó không có lỗi.
Bên cạnh đó, Điều 130, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định: Việc xác định tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bảo đảm kịp thời, khách quan và công bằng. Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định…
Điều 13 của Nghị định 03/2015/NĐ-CP cũng quy định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra.
Căn cứ Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt, hại về môi trường như sau:
- Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái, thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái quy định tại khoản 2 Điều này.
- Trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái được quy định như sau:
+ Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái;
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo để nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
- Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mặc dù đã có quy định cụ thể, hiện nay trên cả nước mới chỉ có một số ít vụ việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Chẳng hạn, việc Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường, vụ gây ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra phải bồi thường thiệt hại cho người dân.
2. Thực tiễn thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hưng Yên
2.1. Thực trạng tại Hưng Yên
Ngày 05/12/2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên. Quyết định này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp; bảo vệ môi trường làng nghề; bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và các hoạt động khác; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đặc biệt, liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, khoản 1 Điều 17 quy định Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên đang áp dụng, chưa ban hành quyết định mới vẫn căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Theo “Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”: Môi trường đất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhìn chung còn tốt, tuy nhiên tại một số khu vực có hiện tượng bị thoái hóa và ô nhiễm cục bộ. Đặc biệt, khu vực đất bị ô nhiễm, tồn lưu kim loại nặng trong đất tại các làng nghề, điển hình là làng nghề tái chế chì tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, thuộc danh mục cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 4 lò đốt chất thải sinh hoạt hoạt động. Ngoài ra, tại khu xử lý chất thải rắn thành phố Hưng Yên, Công ty TNHH Sa Mạc Xanh đang triển khai thử nghiệm xử lý rác bằng công nghệ điện rác - WTE. Tuy nhiên, với khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh ngày càng gia tăng và khối lượng thu gom chưa được triệt để, hiện nay, vẫn tồn tại hiện tượng đốt rác thải sinh hoạt và đốt các phụ phẩm nông nghiệp đang diễn ra tại các địa phương và đang là tác nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, bên cạnh nguồn khí thải từ công nghiệp và hoạt động giao thông. Hoạt động đốt rác bừa bãi chưa có sự kiểm soát của cơ quan chức năng và ý thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua tỉnh Hưng Yên xảy ra ngày càng nghiêm trọng, gần như 100% nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70-80% nước thải công nghiệp… chưa được xử lý đều xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Chỉ trong quý 2/2022, Công an tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra, phát hiện 104 vụ xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, xử phạt 665 triệu đồng. Riêng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra 28 vụ, xử lý vi phạm 18 doanh nghiệp, trong đó địa bàn huyện Văn Lâm 10 doanh nghiệp, địa bàn huyện Văn Giang 10 doanh nghiệp, địa bàn huyện Yên Mỹ 2 doanh nghiệp và thị xã Mỹ Hào 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt trên 600 triệu đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên cần quan tâm chỉ đạo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đồng thời có các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
2.2. Đánh giá
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã có bước tiến ghi nhận giảm nhẹ việc chứng minh cho những người dân bị hại. Cụ thể Luật đã chỉ rõ việc chứng minh hậu quả sẽ do người có hành vi gây ô nhiễm thực hiện. Theo khoản 2, Điều 133 về giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường: Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các quy định về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.
Hiện nay, các khiếu kiện liên quan đến bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra đã xảy ra thường mang tính nhỏ, lẻ, chỉ diễn ra ở một địa phương cụ thể như cấp xã hoặc cấp huyện, chủ yếu liên quan đến hành vi xả nước thải, khí thải độc hại gây ô nhiễm như lúa chết vì khói lò gạch, cá chết do nước thải ô nhiễm… Nhìn chung, khi bị thiệt hại, đa số người dân vẫn chưa có ý thức về quyền khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong trường hợp hiếm hoi có một số ít người dân lên tiếng đòi chủ thể gây ô nhiễm bồi thường thì họ cũng chỉ biết gửi đơn đến chính cơ sở đã gây ô nhiễm, hoặc chính quyền cấp xã và hầu như không thể có khả năng để gây sức ép lên chủ thể vi phạm. Mặt khác, đối với trường hợp một cộng đồng cùng bị thiệt hại có số đông người đưa ra yêu cầu bồi thường thì người dân cũng chỉ tiến hành việc khiếu kiện riêng lẻ, mà chưa tập hợp nhau lại để tạo nên một sức mạnh tập thể lớn hơn.
Ngoài ra, các vụ việc về bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường trong thời gian qua thường tập trung khiếu kiện những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại mà chưa tính đến những thiệt hại về mức suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự nhiên. Đây là thiệt hại gắn liền với chủ sở hữu là Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có chủ thể nào đứng ra yêu cầu bồi thường thiệt hại cho loại thiệt hại này.
Mặc dù đã có những quy định cụ thể, tuy nhiên việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vẫn còn gặp khó. Đa số các vụ gây ô nhiễm môi trường ở Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính, một số vụ cơ quan chức năng cũng đã khởi tố nhưng để đòi được bồi thường cho người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường là rất hiếm. Hầu hết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra hiện nay đều được giải quyết thông qua thương lượng.
3. Kiến nghị
Để xác định được mức độ ô nhiễm cũng như thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra trong thực tế rất khó khăn nếu như không có sự hợp tác, trung thực từ chính những doanh nghiệp để xảy ra ô nhiễm.
Từ những phân tích trên cho thấy, tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sức khỏe của người dân, tuy nhiên vẫn khó nhận được bồi thường.
Nguyên nhân của tình trạng này là do còn tồn tại rất nhiều vấn đề về mặt pháp luật và nhận thức khiến cho trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường khó thực thi trên thực tế. Hầu hết các tranh chấp, khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng, thỏa thuận vì rất khó xác định được thiệt hại cụ thể; các thiệt hại được bồi thường chủ yếu là thiệt hại về sức khỏe, tài sản vật chất, còn các thiệt hại về môi trường tự nhiên như gây chết cá trên sông, trên biển, chết hoa màu, cây cối… thì chưa giải quyết được do khó chứng minh. Để khắc phục tình trạng này, cần thực hiện đồng thời một số giải pháp:
Trước tiên phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm, có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật để xảy ra ô nhiễm môi trường. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân để người dân có thể hiểu được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội và ý nghĩa phát triển bền vững.
Mặc dù ô nhiễm môi trường và các hậu quả của nó đã và đang trở nên hết sức nghiêm trọng ở Hưng Yên nói riêng tại Việt Nam chung. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Tòa án hiện nay gặp nhiều khó khăn và rào cản pháp lý. Cho tới nay, tại Hưng Yên và trên cả nước chỉ có rất ít vụ tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do ô nhiễm môi trường được giải quyết tại Toà án. Tuy nhiên, qua các vụ án đã cùng chỉ ra các vướng mắc, khó khăn cả về pháp lý (quy định pháp luật còn nhiều bất cập) và thực tiễn (trình tự tố tụng không đặc thù, thẩm phán và hội thẩm nhân dân còn thiếu chuyên môn), bao gồm khung khổ pháp luật và cơ chế thi hành, cho mục đích thực hiện bồi thường thiệt do ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục được tình trạng trên, cần xem xét đến việc thành lập một Tòa án về môi trường thuộc Tòa án nhân dân vì: Việc thành lập Tòa môi trường trong tình hình hiện nay là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng, quan điểm của Nhà nước về bảo vệ môi trường; việc xây dựng Tòa án chuyên trách trong lĩnh vực môi trường sẽ giúp thống nhất các quan điểm và trình tự thủ tục xét xử đối với các tranh chấp môi trường đặc thù, tháo gỡ dần các khó khăn và rào cản pháp lý phiền hà, tốn kém và giảm tải áp lực trách nhiệm đối với cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết các vụ án, đặc biệt là các vụ việc có tính chất phức tạp, phạm vi rộng liên khu vực, thời gian tố tụng kéo dài, bị đơn là nhiều cá nhân, pháp nhân có cùng thiệt hại do hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Theo đó, Tòa án chuyên trách sẽ giải quyết những tranh chấp này theo thủ tục tố tụng đơn giản, khác biệt với trình tự tố tụng thông thường.
UBND tỉnh Hưng Yên cần ban hành quyết định bảo vệ môi trường mới trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường 2020 để thay cho Quyết định số 28 đang áp dụng dựa căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014.
[1] Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.
[2] Chính phủ (2022), Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
[3] Văn Ngân (2022), “Đề nghị chấn chỉnh, khắc phục tồn tại về tài nguyên, môi trường tại Hưng Yên” ngày 02/12/2022, Báo điện tử VOV.
[4] Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự 2015.
[5] Quốc hội, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
[6] UBND tỉnh Hưng Yên (2022), “Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
[7] UBND tỉnh Hưng Yên (2017), Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên.
Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải trải rộng trên địa bàn 4 tỉnh, TP gồm Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội.