Thứ Ba, 10/09/2024
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện Lãnh đạo và công chức Phòng Pháp luật dân sự, hành chính; đại diện Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội, Lãnh đạo Viện nghiệp vụ và công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động cùng toàn thể Lãnh đạo và công chức Vụ 9, Vụ 10 VKSND tối cao.
Hội nghị tập huấn và rút kinh nghiệm các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự bị hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát, các kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác này trong 03 năm (từ 01/12/2019 đến 30/11/2022); từ đó xác định nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm, giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Vụ 9 và Vụ 10 đã lần lượt trình bày Báo cáo chuyên đề về “Rút kinh nghiệm các bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự bị hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát, các kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận” và “Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động”.
Theo đó, trong 03 năm qua, tình hình thụ lý kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự có xu hướng tăng, tính chất ngày càng phức tạp; chủ yếu là tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia di sản thừa kế, tranh chấp có yếu tố nước ngoài...Trước tình hình trên, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp với Tòa án cùng cấp nỗ lực, cố gắng giải quyết các vụ việc dân sự; về cơ bản các bản án, quyết định đúng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Nhiều đơn vị đã có chuyển biến tích cực trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, đạt và vượt chỉ các tiêu của Quốc hội và của Ngành.
Về công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, trong thời gian từ ngày 01/12/2022 đến ngày 30/8/2023, trên địa bàn toàn quốc tình hình khiếu kiện hành chính, tranh chấp kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Nổi lên là các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai với các dạng như: Cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; quyết định cưỡng chế thu hồi đất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; cấp, thu hồi giấy phép đầu tư có sử dụng đất…. Các tranh chấp kinh doanh, thương mại chủ yếu là tranh chấp thành viên công ty, tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh, tranh chấp hợp đồng tín dụng…; tranh chấp trong lĩnh vực lao động thường phát sinh giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong giao kết, thực hiện hợp đồng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải, bồi thường các khoản trợ cấp nghỉ việc; người sử dụng lao động yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo.
Viện trưởng VKSND các cấp đã tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị. Kết quả đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị được Tòa án chấp nhận, góp phần bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án đúng pháp luật; qua đó bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Hội nghị cũng nghe đại diện Lãnh đạo Vụ 9 tập huấn Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC ngày 30/5/2023 “Hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”. Tiếp đó, đại biểu tại các điểm cầu đã trình bày một số tham luận liên quan đến công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm các vụ việc dân sự.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, tài liệu của Vụ 9, Vụ 10 và các ý kiến tham luận có chất lượng của đại biểu tham dự Hội nghị; Để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Vụ 9, Vụ 10 cần cần xây dựng tiêu chí xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát liên quan đến các bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự bị hủy, sửa, các kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp, giữa Viện kiểm sát với Tòa án và các cơ quan hữu quan; định kỳ sơ kết, tổng kết, thường xuyên hướng dẫn, rút kinh nghiệm đối với VKSND cấp dưới về thực hiện quyền yêu cầu, phát hiện vi phạm ban hành kháng nghị, kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm đối với bản án, quyết định bị Toà án hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát, kháng nghị không được chấp nhận.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; sắp xếp, phân công, bố trí hợp lý lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức làm công tác này. Chú trọng công tác tự đào tạo, tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm, phiên toà rút kinh nghiệm chất lượng, hiệu quả, đảm bảo thực chất. Sau Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Vụ 9, Vụ 10 tập hợp, hoàn thiện tài liệu để Viện kiểm sát các địa phương tham khảo, vận dụng, trong đó lựa chọn những cách làm hay, hiệu quả của một số Viện kiểm sát địa phương để thông báo, nhân rộng trong toàn Ngành...