Thứ Ba, 10/09/2024

Một số ý kiến về công tác nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên tòa phiên tòa dân sự, hành chính

26/11/2020 - 12:45 | Nghiên cứu, trao đổi

Ngày 27/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện KSND, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án trong đó có đề ra chỉ tiêu “...nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, vì vậy, hiện nay Viện KSND TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện theo đúng nội dung Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện Trưởng VKSNDTC và Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC ngày 02/01/2020 của VKSNDTC.

Nhận thấy, bên cạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật thì một trong những vấn đề trọng tâm là phải nâng cao chất lượng Bản phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên phải có sự đầu tư, nghiên cứu, có khả năng tổng hợp và sáng tạo làm cho bản phát biểu được ngắn gọn nhưng đầy đủ, logic thể hiện được hoạt động của Kiểm sát viên, thể hiện được vị trí, vai trò, bản lĩnh của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án. Theo đó, cần tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất: Phải nắm chắc các quy định của Bộ luật TTDS,TTHC về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hành chính từ khi Tòa án thụ lý đến trước khi HĐXX nghị án và nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật về nội dung, các luật chuyên ngành trong lĩnh vực đang tranh chấp, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật (Nghị quyết, Thông tư liên tịch, Nghị định…) ở từng thời kỳ để đảm bảo việc phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án của VKS và thực hiện kiểm sát quyết định giải quyết của Tòa án đúng theo quy định của pháp luật. Có nắm chắc được các quy định trên thì Kiểm sát viên mới có thể tự tin trong việc kiểm sát các hoạt động tư pháp, chủ động xử lý đối với các tình huống phát sinh tại phiên tòa cũng như đưa ra được nhận xét, đánh giá đúng việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và ngươi tham gia tố tụng dân sự.

Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định: yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố cũng như yêu cầu độc lập của các đương sự để từ đó xác định chính xác quan hệ pháp luật có tranh chấp, kiểm sát cả việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự. Việc xác định chính xác quan hệ pháp luật có tranh chấp làm cơ sở cho việc xác định đúng và đầy đủ người tham gia tố tụng và tư cách tham gia tố tụng của các đương sự;  việc thụ lý của Tòa có đúng hay chưa: về thẩm quyền; trình tự thụ lý; về thời hiệu khởi kiện.

Thứ hai: Về việc nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự và việc xác minh, thu thập chứng cứ của Thẩm phán; việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và các hoạt động tiến hành tố tụng khác của Thẩm phán: Kiểm sát viên phải xem xét về các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã đầy đủ chưa, xác định tính hợp pháp của chứng cứ; nguồn cung cấp chứng cứ: Kiểm sát viên phải kiểm tra từng loại chứng cứ, nguồn chứng cứ và người cung cấp chứng cứ; kiểm tra thủ tục giao nộp các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để xác định tính hợp pháp của chứng cứ trong hồ sơ; xem xét việc thu thập tài liệu, chứng cứ của thẩm phán đã đúng quy định của pháp luật chưa. Về nguyên tắc trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính là các đương sự phải trình nộp những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, nhưng đương sự cũng có quyền đề nghị Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ khi thấy tự mình không thể cung cấp những tài liệu chứng, thì trong một số trường hợp Thẩm phán có quyền và trách nhiệm thu thập thêm tài liệu chứng cứ để làm rõ nội dung vụ án, giúp cho việc giải quyết vụ án được triệt để, đúng pháp luật, Kiểm sát viên chú ý trong một số trường hợp khi Thẩm phán thu thập chứng cứ phải ra Quyết định thu thập chứng cứ để đảm bảo thẩm phán thực hiện đúng trình tự quy định.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa, phiên họp, nếu thấy còn thiếu chứng cứ cần bổ sung thì Kiểm sát viên yêu cầu Thẩm phán tiến hành xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung vụ án.

Kiểm sát viên kiểm sát thủ tục phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ của Tòa án, đảm bảo cho các đương sự tham gia tố tụng đều được tiếp cận tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, để họ nắm bắt được cụ thể những yêu cầu cầu khởi kiện của bên kia, làm cơ sở cho đương sự trình bày quan điểm, yêu cầu của mình tại Tòa án. Trong trường hợp đương sự yêu cầu Thẩm phán áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Kiểm sát viên phải chú ý xem kiểm sát việc thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đúng quy định của pháp luật không, nếu thấy việc áp dụng (hoặc không áp dụng BPKCTT) của Tòa án có vi phạm pháp luật thì báo cáo Lãnh đạo viện kiến nghị với Tòa án.

Thứ ba: Về thủ tục tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự: Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự có đầy đủ không, thời gian, địa điểm tống đạt, người tống đạt; phương thức, thủ tục tống đạt có hợp lệ không, có đảm bảo rằng các đương sự có thể nhận được vản bản đó hay không; Chú ý đến việc niêm yết công khai các văn bản tố tụng về thời gian, địa điểm, trình tự niêm yết có đúng quy định hay không để kịp thời yêu cầu Tòa án khắc phục. Trường hợp phát hiện có vi phạm trong tống đạt, thông báo cho đương sự dẫn tới việc đương sự không thể tham gia tố tụng theo triệu tập của Thẩm phán thì đề nghị Tòa hoãn phiên tòa để khắc phục, thực hiện việc tống đạt lại cho đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Bài phát biểu của Kiểm sát viên nên có sự chuẩn bị dự thảo trước, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và kịp thời bổ sung những tình tiết phát sinh mới tại phiên tòa để đảm bảo chính xác, thuyết phục. Những yêu cầu của đương sự khi khởi kiện và sự thay đổi, bổ sung tại phiên tòa (nếu có) đều phải được phân tích, nhận định trong bài phát biểu. Chú ý đến việc bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện của đương sự có vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu hay không để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung đó.

Khi phát biểu về hướng giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần tóm tắt nội dung vụ án, nêu được những yêu cầu khởi kiện của đương sự được chốt tại phiên tòa; phân tích các tài liệu, chứng cứ mà các đương sự đã nộp và những tài liệu thẩm phán xác minh, thu thập có trong hồ sơ và tài liệu đương sự nộp tại tòa (nếu có); đánh giá sự khách quan, hợp pháp của chứng cứ để làm cơ sở cho đề nghị về hướng giải quyết vụ án.

Phân tích, đánh giá quan điểm của các bên đương sự trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, lời trình bày, ý kiến tranh luận của các bên. Từ đó xác định những yêu cầu nào của đương sự là có căn cứ pháp luật, những yêu cầu nào không có căn cứ. Việc phân tích, đánh giá tài liệu chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ, cần đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tính có liên quan, theo trình tự thời gian để xác định chính xác nội dung vụ án, các điều luật cụ thể cần áp dụng được quy định trong các văn bản pháp luật để đưa ra đề nghị hướng giải quyết vụ án phù hợp với quy định của pháp luật.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, rất mong nhận được góp ý, trao đổi từ quý bạn đọc!

Trần Anh Tuấn -  Phòng 10

Tin mới