Thứ Tư, 26/03/2025

Một số kinh nghiệm từ kết quả phối hợp giữa Cơ quan điều tra Công an Thành phố và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố trong giải quyết vụ án Nguyễn Đỗ Trúc Phương và đồng phạm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”

26/11/2024 - 19:00 | Nghiên cứu, trao đổi

Nguyễn Đỗ Trúc Phương được nhiều người biết đến với tên “Cô tiên từ thiện” hay “Cô tiên của người nghèo” khi là người sáng lập, điều hành quỹ từ thiện, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn trong cả nước. Phương là 01 trong 27 gương thanh niên được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh, Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2020, đồng thời là nhân vật trong Chương trình “Việc tử tế” của Đài truyền hình Việt Nam trao tặng.

Tuy nhiên, đằng sau những danh hiệu mà Phương được nhân dân tôn vinh và Nhà nước trao tặng, Phương đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự. Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Thành phố đã khởi tố, bắt tạm giam Phương để phối hợp điều tra làm rõ do có liên quan đến tội phạm ma túy, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, khởi tố bắt giam ca sĩ Chi Dân (tên thật là Nguyễn Trung Hiếu, 35 tuổi); người mẫu, diễn viên Andrea Aybar (tên Việt Nam là Nguyễn Thị An, hay còn gọi là An Tây, 29 tuổi), quốc tịch Tây Ban Nha. Ngoài ra, hiện đang truy xét, để làm rõ xử lý triệt để các đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy liên quan đến Phương và đồng phạm, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ là những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội và được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, đã gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và trật tự, an toàn xã hội.

Để kịp thời phát hiện vi phạm, đạt được kết quả xử lý, giải quyết vụ án Nguyễn Đỗ Trúc Phương và những vụ án liên quan khác; kịp thời khắc phục, xử lý đúng người, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm, là do lãnh đạo VKSND Thành phố đã quan tâm, sâu sát trong công tác chỉ đạo điều hành, kiên quyết xử lý kịp thời và phân công đúng người, đúng việc đối với từng Kiểm sát viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị và của Kiểm sát viên; đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố với VKSND Thành phố để xử lý, giải quyết vụ án.  

1. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Thành phố, Phòng 1 -VKSND Thành phố đã kiểm tra hồ sơ một số vụ việc “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, phát hiện vụ Nguyễn Đỗ Trúc Phương, có dấu hiệu tội phạm nhưng chậm khởi tố nên đã chỉ đạo chuyển lên cấp thành phố để điều tra.

Theo hồ sơ: Lúc ngày 17/3/2024, Công an kiểm tra hành chính nhà số 258, đường Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, thành phố Thủ Đức phát hiện 10 đối tượng, trong đó có Nguyễn Đỗ Trúc Phương, thu giữ một số ma túy và dụng cụ sử dụng. Các đối tượng cùng khai nhận hành vi sử dụng ma túy tại nhà Phương, khi đến dự sinh nhật đã thấy ma túy có sẵn trên bàn tiệc, xác nhận được Phương trực tiếp đưa ma túy (nước vui và Ketamine) cho các đối tượng sử dụng, riêng Phương không thừa nhận hành vi cung cấp ma túy cho các đối tượng sử dụng tại nhà của mình.

2. Từ phát hiện các vụ án có vi phạm, đặc biệt là vụ Nguyễn Đỗ Trúc Phương nêu trên, VKSND Thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu chuyển một số vụ việc lên thành phố, trong đó có vụ Nguyễn Đỗ Trúc Phương và các đối tượng có hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nêu trên.

Ngay sau đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh (Phòng PC04) tiếp tục điều tra làm rõ theo chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố. Sau khi tiếp nhận điều tra, Viện kiểm sát đã phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam, đối với Nguyễn Đỗ Trúc Phương và đồng phạm để điều tra. Đồng thời, Phòng PC04 Công an Thành phố và Phòng 1 - VKSND Thành phố đã phối hợp chặt chẽ, để truy xét, mở rộng điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng có liên quan, đặc biệt là làm rõ nguồn cung cấp ma túy.

Trên cơ sở kết quả điều tra đối với Phương và một số đối tượng, cùng với các tài liệu, chứng cứ khác thu thập được, tính đến ngày 14/11/2024, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và xử lý hình sự tổng cộng 79 đối tượng, về các tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Mua bán trái phép chất ma tuý” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, VKSND Thành phố đã phê chuẩn.

Như vậy, do nâng cao vai trò, chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên cùng với việc hợp tốt giữa Điều tra viên với Kiểm sát viên, giữa Phòng PC04 Công an Thành phố với Phòng 1 - VKSND Thành phố trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết vụ án Nguyễn Đỗ Trúc Phương và đồng phạm, chỉ trong thời gian ngắn (07 ngày) đã kịp thời điều tra làm rõ, khởi tố 79 bị can về tội phạm ma túy. Hiện nay, Phòng PC04 Công an Thành phố và Phòng 1 - VKSND Thành phố vẫn đang tiếp tục phối hợp xác minh làm rõ để xử lý các đối tượng có liên quan khác.

3. Từ kết quả giải quyết vụ án này, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

(1). Đối với công tác chỉ đạo điều hành

Nâng cao trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp đối với cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc, bằng việc khi xét thấy cần thiết thì phải trực tiếp nghiên cứu tài liệu, chứng cứ và căn cứ pháp luật đối với các vụ án, vụ việc, đặc biệt là những vụ án, vụ việc phức tạp, vướng mắc trong đánh giá chứng cứ, xác định tội phạm.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc, để kịp thời phát hiện, khắc phục và xử lý các khó khăn, vướng mắc và nâng cao trình độ cho cán bộ, Kiểm sát viên bằng thực tiễn công tác; thận trọng, khách quan, đánh giá toàn diện khi nghiên cứu, xem xét báo cáo, đề xuất của cán bộ, Kiểm sát viên, nhất là đối với những trường hợp có quan điểm khác nhau.

Phân công cán bộ, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc phù hợp với trách nhiệm, năng lực, sở trường công tác; khi phát hiện vi phạm thì phải kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm đối với trường hợp cố ý vi phạm; quản lý chặt chẽ các trường hợp không phê chuẩn, các trường hợp bắt, tạm giữ sau đó trả tự do, không xử lý hình sự, hoặc đang yêu cầu bổ sung chứng cứ, để quản lý, theo dõi, nhằm hạn chế vi phạm.

(2). Đối với cán bộ, Kiểm sát viên

Nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhận thức đúng và đầy đủ về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát nhân dân.

Phải có ý thức tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; nắm vững các quy định pháp luật và quy chế phối hợp, để đảm bảo cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc việc giải quyết các vụ án, vụ việc phải có căn cứ, đúng pháp luật.

Gắn công tố với hoạt động điều tra bằng việc trực tiếp tham gia các hoạt động điều tra, cùng nghiên cứu, xem xét tài liệu, chứng cứ với Cán bộ điều tra, Điều tra viên, để định hướng điều tra, xác minh làm rõ từ giai đoạn ban đầu; nghiên cứu tài liệu, đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện, để đề ra Yêu cầu điều tra, Yêu cầu xác minh đúng trọng tâm; báo cáo trung thực, đầy đủ và có căn cứ pháp luật, trước khi trình Lãnh đạo xem xét quyết định đối với việc xử lý vụ án, vụ việc.

(3). Đối với công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra

Thực hiện đúng và đầy đủ Quy chế phối hợp trong việc bắt, tạm giữ, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự số 3166/QCPH-CA-VKS-TA ngày 29/9/2023 của Công an - Viện kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, cần chú trọng các nội dung sau đây:

Kiểm sát viên thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ thì yêu cầu Điều tra viên bổ sung hoặc phối hợp với Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra để bổ sung. Điều tra viên phải chuyển ngay tài liệu, chứng cứ bổ sung cho Kiểm sát viên để nghiên cứu. Trong mọi trường hợp, Kiểm sát viên phải tham gia cùng Điều tra viên ghi lời khai đối tượng và những người liên quan trước khi đề xuất lãnh đạo Viện quyết định việc phê chuẩn hay hủy bỏ, không phê chuẩn các quyết định tố tụng.

Người có thẩm quyền trong việc ra lệnh, quyết định; phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng phải khẩn trương nghiên cứu đề xuất của Điều tra viên, Kiểm sát viên để quyết định xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ tết; đồng thời, nếu có khó khăn, vướng mắc thì lãnh đạo 02 cơ quan sẽ chủ động trao đổi để tháo gỡ, thống nhất hướng xử lý.

Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét (kể cả trong trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu), Cơ quan điều tra phải báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để phân công Kiểm sát viên tham gia; trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng không bắt quả tang, lãnh đạo Cơ quan điều tra phải trực tiếp cùng Điều tra viên tiến hành thực hiện các hoạt động này và phải thông báo kèm bản kế hoạch cho Viện kiểm sát cùng cấp, để phân công Kiểm sát viên nghiên cứu trước khi tham gia.

Đinh Quốc Dũng - Phòng 1

Tin mới