Thứ Bảy, 14/09/2024

Một số kinh nghiệm, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ, tham nhũng tại TPHCM

28/10/2020 - 16:45 | Nghiên cứu, trao đổi

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục trọng điểm. Bên cạnh việc phát triển toàn diện về mọi mặt của xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh còn là một địa bàn xảy ra nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt là các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác của Ngành, bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế đang thụ lý ở các giai đoạn tố tụng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thường xuyên phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thông qua thực tiễn công tác, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, tham nhũng và chức vụ xin tổng hợp đưa ra một số kinh nghiệm, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng để cùng trao đổi với các đồng chí:

1. Kinh nghiệm, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố

Khi kiểm sát các tin báo về tội phạm tham nhũng do Cơ quan điều tra chuyển sang các Kiểm sát viên đã kịp thời đề ra các bản yêu cầu kiểm tra, xác minh để nhanh chóng thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu làm sáng tỏ nguồn tin về tội phạm trước thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh của Kiểm sát viên đã lựa chọn những điểm cơ bản, then chốt, có tính đột phá định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, cho hoạt động điều tra để khởi tố vụ án, bị can về tham nhũng; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự và áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Nhận được yêu cầu xác minh của Viện kiểm sát, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của Kiểm sát viên, kịp thời trao đổi với Kiểm sát viên để cùng giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Đối với những nguồn tin chưa thống nhất quan điểm, Điều tra viên và Kiểm sát viên sẽ báo cáo Lãnh đạo đơn vị để họp cho ý kiến chỉ đạo.

Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra ban đầu như bắt, khám xét, kiểm tra điện thoại, phương tiện điện tử cá nhân có lưu giữ thông tin về tội phạm; xác minh tài sản, phong tỏa tài khoản cá nhân (nếu có), thu giữ tài liệu, vật chứng của vụ án. Trong đó cần chú trọng về thủ tục tố tụng phải được thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

2. Kinh nghiệm, kỹ năng ban hành Yêu cầu điều tra:

Khi ban hành yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm được toàn bộ nội dung vụ án để xác định được những nội dung Cơ quan điều tra đã thực hiện, chưa thực hiện để từ đó đề ra yêu cầu điều tra đúng trọng tâm, sát với hồ sơ vụ án. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kinh nghiệm để đề ra các yêu cầu điều tra cụ thể, có thể thực hiện được, tránh trường hợp đề ra yêu cầu điều tra hình thức, không thể thực hiện được. Đồng thời, các yêu cầu điều tra phải có ý nghĩa chứng minh hành vi phạm tội hoặc thu hồi tài sản thất thoát, thiệt hại. Kiểm sát viên phải thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra để kịp thời đôn đốc và đề ra các yêu cầu điều tra mới phù hợp với quá trình điều tra vụ án

3. Kinh nghiệm, kỹ năng trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra hoặc phối hợp tham gia các hoạt động điều tra

Đa số các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thì chủ thể là những cá nhân có trình độ, có hiểu biết pháp luật, có quan hệ xã hội, luôn có ý thức chối tội và có hành vi khác tác động vào quá trình điều tra nhằm che giấu hành vi phạm tội. Do đó, đòi hỏi cán bộ điều tra, Kiểm sát viên khi lấy lời khai, hỏi cung cần có kế hoạch cụ thể để đấu tranh làm rõ hành vi, giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của đối tượng nhất là quyền được mời luật sư bào chữa; thực hiện ghi âm ghi hình toàn bộ quá trình ghi lời khai, nếu không có điều kiện ghi âm, ghi hình cần thực hiện việc ký chốt nội dung từng lời khai để ghi nhận nội dung khai nhận, tìm ra điểm mâu thuẫn trong lời khai để làm rõ hành vi phạm tội.

Vận động, thuyết phục người có liên quan, người biết việc chủ động đứng ra tố giác tội phạm, cung cấp thông tin về tội phạm cho cơ quan điều tra. Thực hiện đối chất ngay giữa nhân chứng với người phạm tội và giữa người phạm tội với nhau

4. Kinh nghiệm, kỹ năng yêu cầu xác minh tài sản và áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản

Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng phối hợp, kiểm sát chặt việc áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ hoặc kê biên, phong tỏa tài sản cũng như việc hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản trả lại chủ sở hữu, tịch thu, tiêu hủy... theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm hạn chế thấp nhất đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản, bảo đảm công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án dân sự. Trong quá trình điều tra, Viện kiểm sát đã phối hợp với Cơ quan điều tra để truy tìm đường đi của dòng tiền, tiến hành xác minh để có biện pháp thu hồi triệt để.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án vận động, thuyết phục bị can, bị cáo và gia đình tự nguyện giao nộp, khắc phục hậu quả thiệt hại để được xem xét giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng của pháp luật

5. Kinh nghiệm, kỹ năng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Tăng cường sự giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ của Kiểm sát viên. Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Chú trọng công tác bố trí, sử dụng và sắp xếp cán bộ nhằm lựa chọn được những cán bộ, Kiểm sát viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao năng lực nhận thức và khả năng vận dụng pháp luật của cán bộ, Kiểm sát viên. Cán bộ, Kiểm sát viên là những người được giao nhiệm vụ thay mặt Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, vì vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực và trách nhiệm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm sát.

Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự phải nắm chắc các đạo luật cơ bản; trình tự thủ tục tố tụng đó được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự; thường xuyên nghiên cứu và cập nhật, tích lũy các văn bản quy phạm pháp luật mới về hình sự, các Nghị Quyết, Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến công tác nghiệp vụ, Quy chế của ngành để áp dụng vào thực tiễn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm hành động vì mục đích chung trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Kiểm sát viên phải bám sát tiến độ điều tra, chủ động phối hợp với Điều tra viên nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc chứng cứ. Phải bám sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót về chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng; tham gia với Điều tra viên  tổng cung bị can để nắm chắc nội dung vụ án và các tình tiết phạm tội của bị can; phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành sơ kết điều tra theo từng giai đoạn để thống nhất thời điểm kết thúc điều tra và định hướng đường lối xử lý vụ án. Đối với các vụ án phức tạp, bị can phản cung, chối tội hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sau khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải thực hiện việc phúc cung đối với từng bị can để bảo đảm việc truy tố có căn cứ và thận trọng.

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống có thể xảy ra. Đối với những vấn đề phức tạp, có quan điểm đánh giá về chứng cứ, về tội danh khác nhau, Kiểm sát viên phải chuẩn bị tốt câu hỏi, tình huống để tranh tụng tại phiên toà, chứng cứ đưa ra tại phiên tòa phải đảm bảo vững chắc và có sức thuyết phục để bảo vệ quan điểm truy tố đúng đắn của Viện kiểm sát. Nâng cao chất lượng bản cáo trạng và hồ sơ truy tố đảm bảo có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với các vụ án phức tạp, khó khăn thì cần thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành, tổ chức họp liên ngành để có phương hướng giải quyết kịp thời và đúng đắn trước khi kết thúc điều tra vụ án. Đối với các vụ án có bị can, bị cáo kêu oan; các vụ án quan điểm giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân khác nhau về xác định có tội hay không có tội; các vụ án mà quan điểm của Tòa án hay Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo không phạm tội hoặc sẽ tuyên bị cáo không phạm tội, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải báo cáo ngay cho Phòng nghiệp vụ để nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Viện chỉ đạo kịp thời. Từ đó hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhất là các trường hợp trả hồ sơ do thiếu chứng cứ, bỏ lọt tội phạm hay do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Viện kiểm sát chỉ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu có căn cứ pháp luật và thực sự thấy cần thiết đối với việc giải quyết vụ án. Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải nêu rõ những nội dung cần phải điều tra bổ sung. KSV phải xem xét tính khả thi của yêu cầu điều tra bổ sung và kiểm tra chặt chẽ kết quả thực hiện của Cơ quan điều tra, khắc phục việc trả đi trả lại nhiều lần giữa ba cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Trong đó, Kiểm sát viên cần tích cực, chủ động trao đổi với Điều tra viên, Thẩm phán để giải quyết những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ  ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; tham mưu kịp thời với Lãnh đạo liên ngành kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án nhằm hạn chế và khắc phục triệt để việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với những trường hợp không cần thiết hoặc không có căn cứ

6. Kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng bản cáo trạng

Bản cáo trạng là văn bản pháp lý do Viện kiểm sát ban hành để thực hiện quyền công tố Nhà nước trong việc quyết định truy tố. Do đó, bản cáo trạng cần phải đáp ứng điều kiện về hình thức và nội dung. Trước hết cần thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bám sát mẫu cáo trạng do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, lưu ý từng nội dung, đề mục được nêu trong mẫu cáo trạng. Kiểm sát viên cần nắm vững toàn bộ nội dung vụ án, đánh giá chính xác, khách quan các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nâng cao trình độ và khả năng phân tích, tổng hợp…đối chiếu với nội dung Kết luận điều tra để xem xét, đánh giá toàn diện. Tùy từng loại tội mà có cách lập luận dựa trên 4 yếu tố cấu thành tội phạm để xây dựng nội dung Cáo trạng một cách vững chắc, có căn cứ.

7. Kinh nghiệm, kỹ năng thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với các vụ án tham nhũng, chức vụ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công, khi có vướng mắc Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều kịp thời báo cáo Vụ nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đặc biệt trong các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều thực hiện việc nghiên cứu toàn diện hồ sơ và báo cáo ngay từ đầu những vướng mắc trước khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và cùng với lãnh đạo, Kiểm sát viên Vụ nghiệp vụ trao đổi, thống nhất đường lối xử lý trước khi báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo qui định. Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, các vấn đề phát sinh đều được báo cáo ngay cho lãnh đạo Viện, lãnh đạo Vụ nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Đối với bản luận tội: việc xây dựng bản luận tội phải đánh giá, nhận định kỹ vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội từ đó phân hóa tội phạm triệt để giữa bị cáo chủ mưu, cầm đầu và các đồng phạm, nhấn mạnh việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thể hiện sự khoan hồng của pháp luật... để đề nghị mức án. Việc luận tội và đề nghị mức án sẽ tác động lớn đến tâm lý tội phạm, khi luận tội thuyết phục, đề nghị mức án phù hợp các bị cáo sẽ thành khẩn nhận tội, tạo điều kiện thuận lợi cho phần tranh luận, đối đáp và ngược lại. Điển hình như các vụ án Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm, vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm... Khi xét hỏi các bị cáo thể hiện thái độ, ngoan cố không thành khẩn nhưng sau phần luận tội và đề nghị mức án thuyết phục hầu hết các bị cáo đã thành khẩn nhận tội và xin được giảm nhẹ, khoan hồng. Một phương pháp Kiểm sát viên vận dụng trong các vụ án lớn, đông bị cáo là luận tội theo nhóm tội danh và kết luận chung hành vi phạm tội bám sát nội dung cáo trạng, chờ phần luận cứ của luật sư bào chữa và phần tự bào chữa của bị cáo mới đối đáp cụ thể, phương pháp này là cách để phần đối đáp đầy đủ, toàn diện.

Để phần tranh luận đạt kết quả tốt nhất thì phần đối đáp phải đúng trọng tâm, đầy đủ, sắc bén, toàn diện, ứng xử tình huống phải nhanh nhạy và đúng quy định pháp luật. Trong quá trình tranh luận, nhằm đảm bảo cho việc tranh luận thuyết phục, toàn diện, Kiểm sát viên đã phải đề nghị Hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi nếu phần xét hỏi có những nội dung chưa được làm rõ để đấu tranh, làm rõ, tiến hành tranh luận, đối đáp nhiều lần với luật sư và bị cáo.

8. Kinh nghiệm, kỹ năng tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Mối quan hệ phối hợp trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế liên quan đến chức vụ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn được tăng cường. Khi có khó khăn, vướng mắc các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phối hợp, họp liên ngành để trao đổi quan điểm và thống nhất trong việc xử lý. Tuy nhiên, đối với các sai phạm của Cơ quan điều tra, Tòa án phát hiện trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát đã tập hợp ban hành các kiến nghị để chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.

9. Kinh nghiệm, kỹ năng phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cấp ủy, đảng các cấp trong giải quyết các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xử lý

Nhằm đảm đương tốt loại án này, nhất là những vụ án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, án do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương theo dõi chỉ đạo và thực hiện tốt chủ trương “Nhiều người làm ít án khó, ít người làm nhiều án dễ” của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tố phân công những Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm, có bản lĩnh, nhanh chóng tiếp cận hồ sơ, nghiên cứu, báo cáo Viện trưởng để chỉ đạo phân công cụ thể. Các Kiểm sát viên phải cùng phối hợp xây dựng đề cương xét hỏi, luận tội và dự kiến tranh luận. Làm tốt công tác phối hợp với Kiểm sát viên biệt phái theo đúng tinh thần Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử

Một số vụ án có vướng mắc, ngay từ giai đoạn điều tra khi họp liên ngành trung ương đều có sự tham gia của Viện kiểm sát, Tòa án thành phố phát biểu ý kiến góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác điều tra, qua đó giúp cho cấp xét xử sơ thẩm thuận lợi hơn trong quá trình xét xử, hạn chế được án trả điều bổ sung. Đồng thời các vụ án phức tạp, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo, các vụ án trọng điểm cấp ủy địa phương theo dõi, các vụ án dư luận quần chúng quan tâm... trước khi xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng Thành phố Hồ Chí Minh đều tiến hành trao đổi, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương về kế hoạch xét xử, những vấn đề vướng mắc phát sinh, dư liệu các tình huống có thể xảy ra, nhằm đảm bảo kết quả xét xử thành công, được dư luận đồng tình, phục vụ được yêu cầu chính trị của địa phương.

Trên đây là một số kinh nghiệm, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng, cùng đưa ra trao đổi với các đồng chí, đồng nghiệp mong nhận được phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng chí để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự.

Ngô Phạm Việt - Phòng 3

Tin mới