Thứ Ba, 10/09/2024

Một số khó khăn vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ, tham nhũng tại TPHCM

28/10/2020 - 16:40 | Nghiên cứu, trao đổi

Thông qua thực tiễn công tác, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, tham nhũng và chức vụ xin tổng hợp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng để cùng trao đổi với các đồng chí.

1. Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật: Các quy định của Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước có liên quan trong lĩnh vực giải quyết án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có liên quan đến chức vụ:

Vướng mắc quy định tại Khoản 6 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Khoản 6 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống các cơ quan nhà nước, mà còn người có chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, quan điểm về việc xử lý tội phạm tham ô tài sản đối với chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước hiện nay chưa thống nhất. Ngày 23/7/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Công văn số 3221/VKSTC-V14 về việc áp dụng quy định tại Khoản 6 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy đinh này và Vụ 14 sẽ sớm tham mưu, trình lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn. Trong khi chờ hướng dẫn chính thức của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát các cấp cần chủ động phối hợp, thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để giải quyết đối với từng vụ án, vụ việc cụ thể; trường hợp chưa thống nhất hoặc có quan điểm khác nhau thì báo cáo cấp ủy địa phương để có chỉ đạo chung. Do đó, cần sớm có hướng dẫn thống nhất để thuận tiện trong việc xử lý tội phạm.

- Vướng mắc hiện nay mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp là chưa có cách hiểu thống nhất liên quan đến việc áp dụng quy định tại điểm c và điểm e Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 trong việc xử lý các vụ án hình sự có liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 được quy định thành 09 tội phạm cụ thể trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm: Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).

Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội (về thi hành Luật sửa đổi BLHS 2015) quy định: “Tội phạm mới quy định tại các Điều …, 217, 217a, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, …của Bộ luật Hình sự năm 2015; … thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết”.

Nhưng điểm e Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc Hội quy định: Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý;… nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Nhưng nội dung quy định tại điểm e lại không loại trừ trường hợp đã quy định tại điểm c nhưng lại quy định bằng một điểm riêng như vậy được hiểu là quy định này không phụ thuộc vào điểm c. Tuy nhiên, nhận thức và vận dụng của cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay không giống nhau. Điển hình:

Vụ án Nguyễn Toàn Thắng và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 139, Điều 285 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong vụ án có bị can Lê Văn Minh thực hiện hành vi phạm tội trước ngày 01/01/2018, có đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng hành vi phạm tội bị phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố sau ngày 01/01/2018. Viện KSND TP. Hồ Chí Minh có cáo trạng truy tố bị can Lê Văn Minh về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nhưng Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh không thống nhất có Quyết định trả điều tra bổ sung theo hướng áp dụng điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 thì không được khởi tố, truy tố Minh về tội phạm mới.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp có tố giác, tin báo tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng nhưng đối tượng bỏ trốn, chưa ghi được lời khai... đến khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra vẫn chưa đủ căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án và cũng không thể tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm vì không thuộc quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết.

2. Khó khăn, vướng mắc về quan điểm, đường lối xử lý: Thu thập, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh; phân loại, xác định vai trò của từng đối tượng có liên quan để xử lý trong vụ án,…

Một số vụ án tham nhũng, chức vụ lớn diễn ra trong thời gian dài, đông đối tượng tham gia, nhất là các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, việc áp dụng tội danh, phân hóa, xử lý tội phạm còn gặp khó khăn, nhiều trường hợp phạm tội do chấp hành chỉ đạo của cấp trên, không cùng ý thức, không hưởng lợi nhưng quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương còn chưa thống nhất trong việc xác định tội danh, đường lối xử lý, có vụ khởi tố với vai trò đồng phạm, có vụ khởi tố với tội danh độc lập khác. Bên cạnh đó, nếu khởi tố xử lý tất cả các đối tượng tham gia thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải xử lý rất nhiều đối tượng nhưng nếu không xử lý thì bỏ lọt tội phạm.

Các vụ án về tham nhũng, chức vụ thường liên quan đến nhiều quy trình hành chính, quy chế làm việc nội bộ nên việc thu thập các tài liệu này còn gặp nhiều khó khăn vì tùy thuộc vào sự hợp tác của các cơ quan có liên quan. Việc thu thập các tài liệu, chứng cứ này thường tốn nhiều thời gian nên thời hạn điều tra không chỉ gia hạn điều tra lần thứ nhất mà đã gia hạn điều tra lần thứ hai nhưng vẫn không đủ thời gian để thực hiện.

Vấn đề thu giữ thư tín điện tử, điện tín là 01 nội dung quan trọng trong điều tra, xử lý tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Hiện việc thu giữ thông tin chủ thuê bao, danh sách cuộc gọi đi đến, bảng kê chi tiết tin nhắn... đang gặp khó khăn; các tổ chức bưu chính viễn thông (điển hình là Viettel) yêu cầu phải có lệnh thu giữ của Cơ quan điều tra, có phê chuẩn của Viện kiểm sát thì mới thực hiện cung cấp nhưng các nội dung này có thuộc nhóm “thư tín, điện tín” hay không vẫn chưa có hướng dẫn nên Viện kiểm sát chưa thể phê chuẩn theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3. Khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp và định giá tài sản: Công tác phối hợp của Cơ quan giám định; của Giám định viên, của Hội đồng định giá; Tiến độ, kết quả giám định, định giá tài sản đối với việc giải quyết vụ án, vụ việc.

Quá trình giải quyết vụ việc, vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực trưng cầu giám định thường mang tính chất phức tạp, thời gian giám định kéo dài, cơ quan điều tra có đưa ra thời hạn thực hiện giám định theo quy định tại Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng tổ chức, cá nhân tiến hành giám định khó thực hiện trong thời hạn yêu cầu, thời gian trả kết quả giám định tư pháp và không có chế tài cụ thể trong việc chậm trễ nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vụ án, vụ việc, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, thời hạn xác minh.

Trong lĩnh vực giám định chữ viết, chữ ký nhiều trường hợp gặp khó khăn, không thể thu thập được mẫu chữ viết, chữ ký của đương sự tại cùng thời gian viết ra, ký ra so với mẫu cần giám định.

Trong quá trình xét xử các vụ án trốn thuế, tại Tòa án, Luật sư hoặc Thẩm phán cho rằng kết luận giám định tư pháp về thuế là không khách quan do giám định viên thuộc Cơ quan thuế thực hiện giám định trong khi Cơ quan thuế lại là bị hại nên phải cử đại diện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, dẫn đến những người thực hiện giám định thuế rất lúng túng khi tranh tụng tại Tòa án. Trong khi đó Luật giám định tư pháp và Nghị định hướng dẫn giám định về thuế do Giám định viên độc lập và kiêm nhiệm do cơ quan thuế quản lý nhưng chưa quy định rõ về hoạt động, cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối giám định viên về thuế, cơ quan chủ quản và ngân sách cho hoạt động này. Do đó, hiện nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải liên hệ trưng cầu chéo giám định viên không do cơ quan thuế liên quan vụ án quản lý.

Trong lĩnh vực xây dựng, công tác giám định để xác định thiệt hại gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian, kinh phí. Nhiều trường hợp đơn vị được trưng cầu viện dẫn nhiều lý do, các văn bản quy định của pháp luật về thẩm quyền thực hiện giám định để từ chối thực hiện yêu cầu giám định của cơ quan điều tra.

4. Khó khăn, vướng mắc trong xác định thiệt hại (thời điểm xác định thiệt hại), xác định tiền, tài sản bị can đã chiếm đoạt

Việc thu thập thông tin, xác minh ban đầu đối với các vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ còn gặp khó khăn do các đối tượng phạm tội là những người có năng lực, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực phạm tội. Đồng thời, hành vi phạm tội lại diễn ra trong một thời gian dài dẫn đến việc điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ không kịp thời, đối tượng có thể tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản phạm tội, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra, chứng minh tội phạm.

5. Khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản:

Thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, do các đối tượng phạm tội đối phó ngay từ đầu bằng cách nhờ người thân đứng tên tài sản do phạm tội mà có hoặc tội phạm thường xảy ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện nên người thực hiện hành vi phạm tội đã kịp xóa dấu vết, hợp thức hóa các tài liệu, tẩu tán, chuyển hóa tài sản phạm tội... Bên cạnh đó, một số ngân hàng không chấp nhận thực hiện hoặc thực hiện rất chậm việc phong tỏa tài khoản, trích sao kê giao dịch, do qui định của ngân hàng “chỉ cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án”nên công tác thu thập chứng cứ và đảm bảo thu hồi tài sản chiếm đoạt đối với án tham nhũng, chức vụ còn gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản của đương sự mới xác định được các khoản nghĩa vụ còn phải thi hành để thực hiện ủy thác địa phương nơi có tài sản khác. Thực tế, hầu hết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tài sản có giá trị lớn, tài sản đảm bảo thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau nên quy định trên đã tạo ra khó khăn trong quá trình xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, việc bảo quản tài sản bảo đảm để thu hồi cho nhà nước và tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do phải xử lý xong tại địa phương rồi mới thực hiện việc ủy thác điển hình như: vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Ngân hàng TMCP Việt Hoa, vụ Phạm Công Danh, vụ Epco - Minh Phụng… do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hồi tài sản.

Số tiền phải thu hồi trong các vụ án kinh tế là rất lớn nhưng tài sản được Tòa án tuyên duy trì kê biên cũng như tài sản cơ quan thi hành án dân sự đã phát hiện trong quá trình thi hành án không nhiều, điều này làm ảnh hưởng đến kết quả thu hồi tiền trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Mặt khác, tài sản thế chấp, bảo lãnh trong các vụ án kinh tế thường được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế nên một số tài sản đưa ra phát mãi phải giảm giá nhiều lần nhưng không có khách hàng đăng ký mua dẫn đến việc thu hồi tài sản còn hạn chế. Quá trình kiểm sát hoạt động của cơ quan bán đấu giá, Viện kiểm sát đã phát hiện ra các vi phạm; tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng Viện kiểm sát không có chức năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá nên trong quá trình kiểm sát còn gặp khó khăn.

6. Khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp; các cơ quan tố tụng với cấp ủy địa phương trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, phối hợp trong giải quyết các vụ án Viện kiểm sát cấp trên phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử,…

Đối với những vụ án đông bị can, đông đối tượng liên quan, nhưng chỉ được phân công từ 01 đến 02 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra dẫn đến việc tiến hành tham gia hỏi cung từng bị can hoặc đối chất gặp không ít khó khăn. Hoặc giai đoạn truy tố, theo quy định của Ngành hiện nay phải thực hiện phúc cung trước khi quyết định truy tố thì các vụ án có nhiều bị can, Kiểm sát viên phải tiến hành phúc cung đầy đủ, điển hình như những vụ án về tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng trung bình một vụ án truy tố trên 20 bị can dẫn đến Kiểm sát viên gặp khó khăn khi tiến hành phúc cung bị can trước khi quyết định truy tố vì còn ảnh hưởng đến thời hạn quyết định việc truy tố. Trong khi điều kiện vật chất, phương tiện để đáp ưng cho các hoạt động hỏi cung chưa đảm bảo như trụ sở của Cơ quan điều tra đã trang bị phòng hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm, ghi hình nhưng số lượng chưa đủ đáp ứng, như hiện nay tại Cơ quan Cảnh sát điều tra 02 cấp thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 05 phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình nhưng lại phục vụ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, trong nhiều trường hợp, Cơ quan điều tra không thể tiến hành hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm, ghi hình ngay mà phải chờ đăng ký lịch làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án. Đồng thời, Phòng hỏi cung, lấy lời khai tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chưa được trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình để đảm bảo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng, cùng đưa ra trao đổi với các đồng chí, đồng nghiệp mong nhận được phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng chí để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự.

Ngô Phạm Việt - Phòng 3

Tin mới