Thứ Ba, 10/09/2024

Kinh nghiệm xây dựng bản yêu cầu điều tra vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

04/12/2023 - 08:59 | Nghiên cứu, trao đổi

Yêu cầu điều tra trong vụ án hình sự là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, đảm bảo mọi tội phạm được phát hiện phải bị khởi tố và việc khởi tố điều tra vụ án hình sự có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đây vừa là quyền hạn, vừa là trách nhiệm pháp lý của các Kiểm sát viên được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS) và một số văn bản dưới luật.

Yêu cầu điều tra có giá trị pháp lý, buộc cơ quan có thẩm quyền điều tra, người có thẩm quyền tiến hành điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát đề ra trong bản yêu cầu điều tra (Điều 168 BLTTHS năm 2015; Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS). Việc ban hành yêu cầu điều tra để định hướng cho CQĐT thực hiện các hoạt động điều tra phải thu thập đầy đủ, hợp pháp các chứng cứ, tài liệu nhằm chứng minh tội phạm và người phạm tội cũng như quyền của người tham gia tố tụng, đảm bảo vụ án được giải quyết đúng đắn, toàn diện và triệt để.

Khi xây dựng yêu cầu điều tra về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (viết tắt ĐVHD), ngoài quy định trong BLHS, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật sau để bảo đảm yêu cầu điều tra đúng trọng tâm vụ án: (1) Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; (2) Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES; (3) Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm đuợc ưu tiên bảo vệ; (4) Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho nhà nước và Phụ lục III Danh mục các loài ĐVHD được bảo vệ theo pháp luật Việt Nam và theo Công ước CITES; (5) Quyết định số 2249/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Từ thực tiễn công tác và trên cơ sở các tài liệu tập huấn về công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng bản yêu cầu điều tra về nhóm tội phạm này như sau:

Thứ nhất, xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội: Theo BLHS năm 2015 thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không chỉ có cá nhân, mà còn có thể là pháp nhân. Do đó, yêu cầu điều tra cần định hướng cho CQĐT xem xét kỹ về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Đây là nội dung mà nhiều Kiểm sát viên chưa chú ý trong thời gian qua.

Thứ hai, xác định chính xác số lượng, tên loài ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm: Khi tiếp cận hồ so do CQĐT chuyển đến, Kiểm sát viên phải đặc biệt chú ý, nghiên cứu kỹ kết luận giám định về loài, đối chiếu với tên khoa học của loài đó; so sánh tên loài trong kết luận giám định với tên loài quy định trong các danh mục ban hành kèm theo văn bản pháp luật để đảm bảo tên loài chính xác. Thực tế cho thấy, do tên khoa học thường dài và viết bằng tiếng Anh, nên đôi khi các Kiểm sát viên chưa sâu sát với yêu cầu này. Ngoài ra, Kiểm sát viên cũng phải đối chiếu biên bản thể hiện việc thu giữ tang vật để đảm bảo chính xác số lượng, tên loài thu giữ. Trường hợp phát hiện có điểm chưa đồng nhất thì phải yêu cầu cơ quan chức năng giải thích; nếu xét thấy độ tin cậy của kết quả giám định không cao hoặc có cơ sở nhận định kết quả giám định không đạt yêu cầu thì Kiểm sát viên phải yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra giám định lại, giám định bổ sung hoặc ra văn bản yêu cầu giám định bổ sung. Ngoài ra, Kiểm sát viên cũng phải xem xét yếu tố định lượng của vụ án, so sánh với quy định của BLHS để làm cơ sở cho việc định tội, xác định khung hình phạt cũng như bảo vệ được quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Thứ ba, chứng minh ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi phạm tội: Việc xác định ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là rất khó nên yêu cầu này cần phải đặt ra ngay từ đầu và có sự đầu tư nghiêm túc trong hoạt động kiểm sát điều tra, tránh hời hợt, qua loa, dựa theo lời khai. Ví dụ, đối với trường hợp vận chuyển thuê ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm, Kiểm sát viên phải yêu cầu làm rõ đối tượng thực hiện hành vi có nhận biết được hàng hóa mình vận chuyển là ĐVHD hay không. Thông thường, đối tượng vận chuyển sẽ tìm cách thoái thác trách nhiệm; do đó, nếu là cá nhân vận chuyển, Kiểm sát viên phải yêu cầu CQĐT làm rõ cách thức vận chuyển, thời gian, địa điểm, phương tiện vận chuyển... Trong trường hợp là pháp nhân vận chuyển, cần yêu cầu CQĐT xác minh quá trình hình thành doanh nghiệp, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, các nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp, lịch sử vi phạm... Đây là những chứng cứ vật chất để củng cố ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội.

Thứ tư, về tính pháp lý của tang vật của vụ án: Kiểm sát viên cần yêu cầu CQĐT thu, chuyển giao mẫu tang vật được thực hiện trong điều kiện đảm bảo yêu cầu. Việc thu, hay chuyển giao mẫu phải được lập biên bản theo quy định, phải có sự chứng kiến của các bên liên quan (đặc biệt phải có sự chứng kiến của người vi phạm). Mẫu vật trước khi thu giữ phải đảm bảo còn nguyên niêm phong (có chữ ký xác nhận của những người liên quan). Trước khi lấy mẫu, phải lập biên bản mở niêm phong có chữ ký đại diện cơ quan yêu cầu giám định, chủ hàng, bên lấy mẫu giám định và những người khác có liên quan. Khi mở niêm phong, phải đảm bảo sự có mặt của đại diện cơ quan trưng cầu giám định, chủ hàng, đại diện cơ quan giám định và những người có liên quan khác. Sau khi thực hiện việc lấy mẫu để gửi đi giám định, mẫu vật còn lại cần được làm thủ tục đóng gói niêm phong có chữ ký xác nhận của chủ hàng, đại diện cơ quan yêu cầu giám định, đại diện cơ quan giám định và những người có liên quan theo đúng quy định. Số lượng mẫu lấy giám định, kích cỡ, khối lượng... cần được ghi rõ trong biên bản.

Thứ năm, về bảo vệ, bảo quản, xử lý vật chứng của vụ án: Do đặc thù của vật chứng trong loại án này nên nội dung yêu cầu điều tra phải có biện pháp xử lý cho phù hợp. Theo đó, nếu vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Vật chứng là cá thể đã chết hoặc sản phẩm ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, về hình thức yêu cầu điều tra: Yêu cầu điều tra bằng văn bản có nhiều ưu việt hơn bằng lời nói. Trong một số tình huống khẩn cấp, sau khi yêu cầu điều tra bằng lời nói, Kiểm sát viên cần chuyển hóa dạng yêu cầu này thành hình thức văn bản Kiểm sát viên cần chuyển hóa dạng yêu cầu này thành hình thức văn bản theo Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSND tối cao. Một vụ án không giới hạn số lượng yêu cầu điều tra nhưng nội dung cần dễ hiểu, sát với vụ án và có khả năng thực hiện, ví dụ, khi xem xét hành vi cá nhân (hoặc pháp nhân) nuôi, nhốt ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm, Kiểm sát viên cần cụ thể hóa yêu cầu điều tra bằng cách yêu cầu CQĐT làm rõ việc nuôi nhốt có được phép hay không, thời hạn của giấy phép, động cơ mục đích của việc nuôi, nhốt, cách thức nuôi, nhốt…

Lê Thị Đông - Phó Trưởng phòng 3

Tin mới