Thứ Ba, 10/09/2024
KIEMSAT.VN - Trước những ảnh hưởng của “tín dụng đen” đến đời sống xã hội, bài viết phân tích thực trạng xử lý tội phạm này; đồng thời, chỉ ra những khó khăn trong quá trình xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, từ đó kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý hành vi này trên thực tế.
1. Tình hình xử lý tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Trong những năm qua, nhóm tội phạm phát sinh từ quan hệ vay mượn tài sản nói chung, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nói riêng, có chiều hướng gia tăng, nhưng tỉ lệ vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà các cơ quan tố tụng phát hiện và xử lý chưa phản ánh hết tình trạng tội phạm này diễn ra trên thực tế. Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội, từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được VKSND hai cấp thụ lý là 58 vụ/182 bị can, trong đó đã khởi tố 41 vụ/130 bị can; truy tố, xét xử 38 vụ/117 bị can.
Trong giai đoạn truy tố, VKSND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý tổng số 38 vụ/130 bị can, trong đó đã truy tố 36 vụ/112 bị can, chiếm tỉ lệ 94,74% vụ án/86,2% bị can. Đặc biệt, tỉ lệ vụ án và bị cáo đã bị truy tố về loại tội này từ năm 2019 đến nay đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, không có trường hợp nào đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án, bị can trong giai đoạn truy tố. Như vậy, có thể thấy tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua diễn ra rất phức tạp.
2. Một số tồn tại, khó khăn khi xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Thứ nhất, về hình thức vay tài sản: Hành vi cho vay tài sản thường được thể hiện bằng một hợp đồng viết tay đơn giản, xác nhận việc vay nợ mà không được công chứng giữa người cho vay và người vay, mức lãi suất tự thỏa thuận và có thể ghi nhận trong hợp đồng hoặc không, không ghi thời gian vay mà chỉ ghi bao nhiêu tiền lãi; hoặc chỉ ghi số tiền vay vào sổ và để người vay ký nhận; hay trong giấy vay mượn nợ chỉ ghi số tiền nợ gốc và không ghi lãi suất phải trả cho số tiền vay hoặc có ghi lãi suất nhưng các đối tượng dùng thủ đoạn ghi lãi suất vào trong giấy vay tiền thấp hơn, không đúng với lãi suất thực tế người đi vay phải trả; hoặc bên cho vay giữ giấy tờ tùy thân và để người đi vay phải trả lãi cho giấy tờ tùy thân dưới hình thức cầm cố, giữ hộ tài sản có trả lãi suất; nhưng cũng có thể hợp đồng vay chỉ thỏa thuận bằng lời nói…
Trong một số trường hợp, người cho vay lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người vay để ép họ ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán tài sản để khi đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả được số tiền gốc và lãi thì người cho vay làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất, tài sản hoặc bán tài sản đó… Do vậy, khi thiết lập các hợp đồng vay, về bản chất là trái pháp luật, nhưng thực tế hình thức thể hiện lại là hợp pháp nên khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, khi cơ quan tố tụng điều tra các vụ án phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen” thì không đủ tài liệu chứng minh việc cho vay nặng lãi để khởi tố vụ án.
Thứ hai, về quy định của pháp luật, quy định hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng nhưng trước đó “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích…” thì hiện nay không thể xử lý về hình sự và cũng không thể xử phạt hành chính được, bởi vì Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021) chỉ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản mà không có quy định xử phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng khác ngoài hình thức có cầm cố tài sản. Mặt khác, theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, trong trường hợp pháp luật có liên quan có quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật đó (như các hợp đồng vay vàng, ngoại tệ, vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển…). Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về “trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác” được quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015. Vì vậy, cần ban hành văn bản pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để có cơ sở xử lý những trường hợp thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự.
- Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử (Công văn số 212/2019) nhận định: Trong trường hợp người phạm tội cho nhiều người khác vay tiền thì khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian… Tuy nhiên, hành vi cho vay lãi nặng thực hiện với thời gian, mức độ, tần suất… như thế nào để được coi là “liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian” thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, việc áp dụng quy định này sẽ phụ thuộc vào nhận định chủ quan của các cơ quan, người tiến hành tố tụng ở mỗi địa phương.
- Về xử lý đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm. Hướng dẫn tại Công văn số 212/2019 và Điều 5 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Nghị quyết số 01/2021) cho rằng: Tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước khoản tiền này. Công văn số 212/2019 xác định khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm không phải là khoản thu lợi bất chính, đồng thời cũng không xác định số tiền này là phương tiện phạm tội. Như vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 47 BLHS năm 2015 thì đây không thuộc trường hợp bị tịch thu sung công quỹ nên việc xử lý như vậy là không có căn cứ pháp luật.
- Nghị quyết số 01/2021 hướng dẫn về vay tài sản khác ngoài tiền thì phải quy đổi ra giá trị tiền tại thời điểm vay để khắc phục tình trạng không xác định được lãi suất cho vay đối với tài sản khác. Bất cập hiện nay là việc vay tài sản trong thực tế có thể là vay vàng hoặc vay các tài sản khác, quy định “quy đổi ra giá trị tiền” để xác định giá trị được tính theo giá của tài sản đó trên thị trường tại thời điểm quy đổi hay tại thời điểm thực hiện hành vi? Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể vấn đề lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản khác không phải là tiền để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Thứ ba, về phương thức, thủ đoạn phạm tội: Các đối tượng hoạt động tín dụng đen luôn tìm cách đối phó để không bị xử lý hình sự, dẫn đến có trường hợp giải quyết theo quan hệ dân sự khi người đi vay là bị đơn và các đối tượng cho vay lãi nặng lại là nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án dân sự; hay có trường hợp lãi suất bên vay phải chịu được trừ trực tiếp vào số tiền vay cho bên cho vay (người vay phải trả lãi ngay cho bên cho vay ngay khi nhận được khoản tiền vay); trường hợp khác, lãi suất mà bên vay phải chịu nếu chậm trả sẽ được tính gộp trực tiếp vào khoản tiền vay gốc nên khó chứng minh khoản lãi suất thực tế mà các bên thỏa thuận. Đối với khách hàng trả tiền đúng hạn thì trong các lần vay tiếp theo các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự sẽ cho vay với số tiền lần sau cao hơn lần trước, áp dụng hình thức cho vay trả góp với lãi suất rất cao.
Một hình thức cho vay lãi nặng khác phổ biến hiện nay là thông qua các hình thức hụi, họ, biêu, phường hay hình thức bên cho vay thường công khai dưới vỏ bọc của hoạt động kinh doanh được cấp phép hợp pháp như dịch vụ cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính với những chiêu trò quảng cáo kết nối khách hàng, hỗ trợ vay vốn, cho thuê tài sản thông qua quảng cáo ở các tờ rơi, treo, dán trên các tuyến đường… Đặc biệt hiện nay, các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, cho vay tiền qua website, ứng dụng (app), sử dụng các số thuê bao, tài khoản không chính chủ, do đó, quá trình điều tra phải khôi phục tin nhắn từ các ứng dụng và chứng minh được các tài khoản mạng xã hội là do các đối tượng sử dụng để thực hiện giao dịch cho vay, thu lãi nặng… gây khó khăn khi phát hiện, xử lý tội phạm này. Thông thường chỉ xử lý được hành vi về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác… do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”, khó xử lý về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thứ tư, hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu sát, chưa huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ phía người dân; nội dung tuyên truyền chưa cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới như cho vay thể hiện dưới hợp đồng dân sự mua bán tài sản, thuê tài sản cầm cố… các đối tượng buộc nạn nhân phải làm thủ tục bán cho đối tượng nhằm hợp pháp hóa việc cho vay, sau đó cho nạn nhân thuê lại trong thời gian ngắn nhằm thuận lợi cho việc chiếm đoạt nếu người nợ không còn khả năng thanh toán; dùng thủ đoạn cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng, vay ngang hàng (P2P Lending- kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay mà không qua trung gian tài chính)… Người cho vay không dám khai báo, không muốn hợp tác với cơ quan tố tụng vì sợ cho vay lãi cao có thể bị xử lý hình sự mà giải quyết bằng những hành vi khác đối với người vay tiền hoặc người đi vay thường nhẹ dạ cả tin hoặc tâm lý muốn nhanh chóng có được tiền để giải quyết các nhu cầu bản thân nên không quan tâm đến các giấy tờ vay hoặc không nắm rõ quy định pháp luật nên không dám tố cáo. Nhiều người dân khi bị các đối tượng cho vay lãi nặng đòi nợ, đe dọa thường có tâm lý chung là lo sợ, không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc nghĩ rằng bản thân đã tự thỏa thuận vay thì phải chịu…
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, hoàn thiện quy định pháp luật trong việc xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Việc vay mượn tiền, tài sản có lãi suất là quan hệ dân sự tự nguyện, có sự thỏa thuận và đồng ý của các bên, căn cứ BLDS năm 2015 thì khoản tiền cho vay gốc, khoản tiền lãi đến 20%, khoản tiền lãi vượt 20% là giao dịch dân sự được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh bằng các quy định cụ thể và phần lãi suất vượt quá 20% không có hiệu lực và có thể áp dụng pháp luật dân sự để xử lý. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các khoản lãi được pháp luật quy định, khoản tiền lãi vượt 20% cần được xác định và giải quyết theo nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Theo đó, phần giao dịch cho vay lãi nặng phải được xác định tương ứng với các quy định về giao dịch dân sự bị vô hiệu từng phần do vi phạm điều cấm của pháp luật, xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu từng phần, lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn theo quy định tại các điều 123, 130, 131, 468 BLDS năm 2015, cụ thể: Khoản tiền gốc cho vay, khoản tiền lãi đến 20% được trả cho người cho vay; khoản tiền lãi vượt quá 20%/năm được trả lại cho người đi vay, trừ trường hợp họ sử dụng tiền vay vào mục đích vi phạm pháp luật thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Về quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đề nghị sửa đổi Nghị định số 144/2021 theo hướng: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền hoặc tài sản khác với mức lãi suất cho vay gấp từ 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS và thu lợi từ người vay số tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng”.
Điều 6 Nghị quyết số 01/2021 đã nêu: Số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS trong cả kỳ hạn vay hoặc tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn mà không phải là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay. Như vậy, tiền thu lợi bất chính để buộc người cho vay phải chịu trách nhiệm hình sự được xác định là số tiền lãi thu được từ mức lãi suất trên 20%/năm trở lên. Tuy nhiên, tại Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm hướng dẫn đối với hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực mà lãi suất vượt quá phải được khấu trừ vào nợ gốc. Do vậy, đối với trường hợp người vay chưa trả đủ nợ lãi và nợ gốc như hợp đồng ban đầu với người cho vay và hai bên cũng không thống nhất được phương án xử lý nợ thì cần áp dụng quy định trên để khấu trừ phần lãi vượt quá mức quy định của BLDS vào nợ gốc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người vay. Như vậy, không thể xác định ngay số tiền thu được từ khoản lãi trên 20% là tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự. Chúng tôi cho rằng, cần ưu tiên áp dụng quy định tại Nghị quyết số 01/2019 trước để xác định số tiền được khấu trừ vào nợ gốc, lãi trong giới hạn; phần còn lại mới được xác định để tính toán để xử lý hình sự.
Việc xử lý đối với khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm:
Điều 5 Nghị quyết số 01/2021 xác định khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định dùng để phạm tội thì bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội bị tịch thu sung quỹ nhà nước mà không nêu rõ Tòa án tuyên tịch thu của người cho vay hay người đi vay. Theo Mục 2.1 Công văn số 4688/VKSTC-V14 ngày 09/10/2020 của VKSND tối cao thì: “Về xử lý khoản tiền gốc và lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm: Tiền gốc là phương tiện phạm tội nên cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS. Trường hợp người vay chưa trả tiền gốc thì buộc người vay phải nộp để sung vào ngân sách nhà nước”. Như vậy, có thể hiểu đến khi xét xử, khoản tiền gốc đang do ai quản lý thì Tòa án tuyên người đó phải giao nộp để tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Về việc tính tiền thu lợi bất chính khi “hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”. Theo chúng tôi, tiền thu lợi bất chính cần phải tính như sau: Toàn bộ số tiền lãi thu được của tất cả các hợp đồng cho vay trừ đi số tiền lãi suất theo quy định của Điều 468 BLDS năm 2015, tức là mức lãi suất 20%/năm: 12 tháng = 1,666%/ (1,666%/tháng là lãi hợp pháp) còn 1,666%/tháng x 5 lần = 8,33% (từ 1,667%/tháng đến 8,33%/tháng là lãi suất vay vi phạm về pháp luật dân sự), còn lại số tiền lãi cao hơn 8,33%/tháng, cộng với khoản thu trái pháp luật khác là số tiền thu lợi bất chính, nếu đủ 30 triệu đồng là đủ căn cứ để xử lý hình sự; hoặc trường hợp không xác định được rõ tính “liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian” thì phải xác định độc lập từng lần cho vay xem đã đủ cấu thành tội phạm chưa, nếu đủ từ 02 lần trở lên thì áp dụng tình tiết “phạm tội từ 02 lần trở lên” như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 01/2021.
Thứ hai, hiện nay nhiều website hay ứng dụng (app) cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo Ngân hàng Nhà nước, bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ ràng đối với mô hình này. Do đó, không ít cá nhân, tổ chức cho vay lãi nặng đang núp bóng P2P Lending để cho vay với lãi suất rất cao, kéo theo cách thức đòi nợ cũng mang đậm tính chất “xã hội đen”. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý các hành vi tín dụng trênss không gian mạng hoặc sử dụng mạng công nghệ thông tin, truyền thông để phục vụ hoạt động tín dụng; đẩy mạnh việc chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về hoạt động “tín dụng đen” trên lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…
Thứ ba, đối với cơ quan có thẩm quyền, cần thường xuyên triển khai các đợt tuyên truyền tại công cộng hoặc các khu dân cư trên địa bàn về việc cho vay lãi nặng; xây dựng phương án kiểm tra liên ngành đối với các địa bàn tập trung các cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính, kinh doanh tài chính trái phép, nơi liên quan đến hoạt động cho vay trái pháp luật, cơ sở núp bóng dưới các hình thức trá hình, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản…; phát hiện kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống giữa các bên, tiến hành hòa giải triệt để, không để xảy ra mất an ninh trật tự ở địa phương.
Thứ tư, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, ý thức tuyên truyền pháp luật tới quần chúng nhân dân về tội phạm “tín dụng đen” và ý thức hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các cơ quan tố tụng thông qua công tác của mình, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các kênh thông tin đại chúng có phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân về chính sách, quy định pháp luật về giao dịch vay tài sản, chính sách pháp luật hình sự về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả của việc vay từ “tín dụng đen”, phối hợp với hệ thống tín dụng để có phương pháp tuyên truyền tạo niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế tội phạm cho vay lãi nặng, nâng cao ý thức phòng ngừa chung.