Thứ Ba, 15/10/2024
(ĐCSVN) - Chặng đường phát triển kế tiếp của Việt Nam đặt ra những yêu cầu mới trong thực hiện chiến lược “kép”: phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thông qua các chính sách bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội.
10 năm với nhiều thành tựu nổi bật, đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân
Qua gần 40 năm đổi mới, các quan điểm của Đảng về chính sách xã hội đã có những bước phát triển theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội và được bổ sung, hoàn thiện qua từng giai đoạn để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Nếu như trong giai đoạn đầu, quan điểm về chính sách xã hội tập trung vào giải quyết các vấn đề cụ thể, bức xúc tồn tại thì đến Đại hội Đảng IX, XI, XII và XIII, hệ thống chính sách xã hội đã xác định tập trung vào các nhóm chính sách lớn (y tế, giáo dục, văn hóa…), nhóm chính sách ưu đãi (chính sách người có công), nhóm chính sách an sinh xã hội (việc làm, bảo hiểm, trợ cấp xã hội), chính sách cho nhóm yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi…).
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI chính là một trong những dấu mốc quan trọng khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Hệ thống chính sách xã hội ngày càng được bổ sung, hoàn thiện (Ảnh: KT)
Nhìn lại 10 năm thực hiện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020.
Chỉ số phát triển con người năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020).
Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, là minh chứng cho tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng.
Trong đó, chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng. Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh hàng năm; giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng…
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; nhiều địa phương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021. Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhìn chung, hệ thống chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW đã bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từng bước đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Chính sách xã hội hướng đến toàn dân, toàn diện
Khách quan nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệch mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại. Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động…
Chặng đường phát triển kế tiếp của Việt Nam đặt ra những yêu cầu mới trong thực hiện chiến lược “kép”: phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thông qua các chính sách bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội. Nhu cầu cao hơn và đa dạng hơn về bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của người dân đòi hỏi tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội.
Với vấn đề đặc biệt quan trọng này, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Ảnh: Phạm Cường)
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, khái quát những điểm nổi bật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, về phạm vi và cách tiếp cận, nếu như Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI chỉ đề cập đến một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 thì lần này, Nghị quyết mới đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Hội nghị lần này đã bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới. Khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển…
Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch COVID-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau…
Hội nghị Trung ương 8 đã thành công tốt đẹp, góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới trong giai đoạn mới của dân tộc; sớm hiện thực hóa những quyết sách của Hội nghị không những giải quyết được những vấn đề trước mắt, mà còn góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu chương trình toàn khóa và cho cả những giai đoạn tiếp theo.
Các quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách xã hội cần được bố trí nguồn lực thực hiện, cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật với trọng tâm là pháp luật việc làm và bảo hiểm xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Cần lưu ý đến các tác động lớn, bao trùm có thể làm thay đổi chính sách xã hội trong tương lai như: Chuyển đổi xanh; Chuyển đổi số; Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục rủi ro theo hướng chủ động; Đầu tư trong xây dựng các chính sách xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội…
Các chính sách cần được thiết kế theo khung đảm bảo tính bao trùm và hướng tới thịnh vượng chung song cũng cần xác định các vấn đề ưu tiên. Chẳng hạn, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững nhất là khu vực đồng bào dân tọc thiêu số. Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội.
Ưu tiên khác cần được chú ý là phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững; đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phổ cập nghề cho người lao động; tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng", chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất (Ảnh: Kim Thanh)
Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo hiểm xã hội tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hóa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Cùng với đó, đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội phù hợp với khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình phát triển. Bởi vậy những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác an sinh xã hội vẫn luôn được quan tâm và mang lại nhiều thành tựu nổi bật.
Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn đòi hỏi cần nhiều nỗ lực cải thiện hơn nữa hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần” trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.