Thứ Ba, 14/01/2025

Khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á

Ngày 28/3/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án Trần Phương Bình và 03 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á số tiền 981.184.337.245 đồng.

Hội đồng xét xử gồm 03 thành viên do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tọa. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa gồm 04 Kiểm sát viên: Ông Nguyễn Nhật Tuấn, Kiểm sát viên cao cấp và 03 Kiểm sát viên trung cấp: Ông Nguyễn Khánh Nam, bà Trần Thị Liên, bà Hồ Thị Ngọc Ánh.

 Hội đồng xét xử sơ thẩm

Các Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Phiên tòa còn có sự tham gia của hơn 04 Luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cáo trạng số 1055/Ctr-VKSTC-V3 ngày 23/01/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định:

“Bị can Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc DAB đã chỉ đạo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân để Tài, Vân lập, ký Tờ trình để Trần Phương Bình ký phê duyệt cho Nguyễn Thị Ngọ vay 115 khoản (gồm: 30 khoản vay tín dụng và 85 khoản vay thấu chỉ) tổng số 1.055.516.800.000 đồng để Nguyễn Thị Ngọ sử dụng vốn vay với mục đích để đảo nợ các khoản vay cũ, che dấu nợ xấu cho DAB, cho vay không có tài sản đảm bảo, không thẩm định hồ sơ vay, điều kiện vay vốn, không phải kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo. Đến nay, còn dư nợ 42 khoản vay (gồm: 19 khoản vay tín dụng và 23 khoản vay thấu chi) với số tiền 1.236.155.886.145 đồng (= 841.710.245.668 đồng tiền gốc + 394.445.640.477 đồng tiền lãi vay), tài sản bảo đảm là 254.971.548.900 đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng DAB số tiền 981.184.337.245 đồng, không có khả năng thu hồi.

Hành vi nêu trên của Trần Phương Bình đã vi phạm Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (tổ chức tín dụng trước khi quyết định cấp tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay; phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn); vi phạm các quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 7, khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 15 Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước (vi phạm Điều 7, 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thay thế cho Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001), quy định về điều kiện vay vốn, nhu cầu không được cho vay, thẩm định và quyết định cho vay (tổ chức tín dụng khi thẩm định, quyết định cho vay phải đảm bảo khách hàng có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả; mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp, không được cho vay để đảo nợ); nhận tài sản không đủ điều kiện pháp lý để làm tài sản thế chấp, vi phạm khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 26/12/2006 của Chính phủ quy định về Giao dịch bảo đảm “Tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch”.

Hành vi cho Nguyễn Thị Ngọ vay trái quy định của Trần Phương Bình đã gây thiệt hại cho DAB số tiền 981.184.337.245 đồng. Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền gây thiệt hại cho DAB như đã nêu trên.

- Bị can Nguyễn Đức Tài (nguyên Giám đốc DAB Sở Giao dịch): Có hành vi lập, ký Tờ trình đề Trần Phương Bình ký phê duyệt cho Nguyễn Thị Ngọ vay, đến nay còn dư nợ 42 khoản tổng số 1.236.155.886.145 đồng (= 841.710.245.668 đồng tiền gốc + 394.445.640.477 đồng tiền lãi vay), tài sản bảo đảm là 254.971.548.900 đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng DAB số tiền 981.184.337.245 đồng không có khả năng thu hồi. Do vậy, Nguyễn Đức Tài đồng phạm giúp sức cho Trần Phương Bình gây thiệt hại số tiền 981.184.337.245 đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền thiệt hại nêu trên. Tuy nhiên, quá trình điều tra thấy Nguyễn Đức Tài thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của Trần Phương Bình, không phải là người quyết định về cho vay; các khoản vay thấu chi khi lập, ký danh sách đề nghị cho vay để trình cho Trần Phương Bình ký phê duyệt cho vay thì mức cho vay của mỗi người đã được Trần Phương Bình ấn định và chỉ đạo Tài lập theo nội dung Bình chỉ đạo. Bản thân Nguyễn Đức Tài không được hưởng lợi gì, thành khẩn khai báo, đề nghị xem xét giảm nhẹ đối với bị can.

- Bị can Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng giám đốc DAB), đã ký kiểm soát Tờ trình để Trần Phương Bình phê duyệt cho Nguyễn Thị Ngọ vay sai quy định, đến nay còn dư nợ 42 khoản vay (gồm: 19 khoản vay tín dụng và 23 khoản vay thấu chỉ) với số tiền 1.236.155.886.145 đồng (= 841.710.245.668 đồng tiền gốc + 394.445.640.477 đồng tiền lãi vay), tài sản bảo đảm là 254.971.548.900 đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng DAB số tiền 981.184.337.245 đồng đến nay không có khả năng thu hồi. Như vậy, Nguyễn Thị Ngọc Vân đồng phạm giúp sức cho Trần Phương Bình gây thiệt hại số tiền là 981.184.337.245 đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền trên. Tuy nhiên, quá trình điều tra thấy Nguyễn Thị Ngọc Vân thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của Trần Phương Bình, không phải là người quyết định về cho vay, việc ký các khoản vay chuyển đổi từ VND sang thành khoản vay bằng vàng thực hiện theo sự chỉ đạo và đồng ý của Trần Phương Bình; các khoản cho vay thấu chi (tài khoản thẻ) khi Vân ký kiểm soát danh sách đề nghị cho vay thì mức cho vay của mỗi người đã được Trần Phương Bình ấn định để cho vay. Bản thân Nguyễn Thị Ngọc Vân không được hưởng lợi gì, thành khẩn khai báo, đề nghị xem xét giảm nhẹ đối với bị can.

Bị can Nguyễn Thị Ngọ: Với vai trò là người điều hành hoạt động của Nhóm khách hàng Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ. Từ năm 2008, khi các khoản vay của các cá nhân đứng tên vay hộ để mua cổ phần tăng vốn của DAB đến hạn trả nợ, Nguyễn Thị Ngọ không có khả năng trả nợ, Nguyễn Thị Ngọ đã bàn bạc với Trần Phương Bình cho Nguyễn Thị Ngọ vay tiền để đảo nợ cho các khoản vay tại DAB và được Trần Phương Bình đồng ý. Sau khi trao đổi và thống nhất với Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Ngọ đã lập hồ sơ, phương án kinh doanh khống, sử dụng các công ty do mình thành lập và nhờ những người thân trong gia đình và các cá nhân là người làm thuê cho Nguyễn Thị Ngọ đứng tên ký hồ sơ vay tại DAB để Nguyễn Thị Ngọ sử dụng đào nợ và vay thêm 140.616.891.627 đồng để sử dụng cá nhân. Hành vi nêu trên của Nguyễn Thị Ngọ đã đồng phạm với Trần Phương Bình trong việc tạo lập hồ sơ khống, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật, giúp Trần Phương Bình che giấu tình hình nợ xấu của DAB, đến nay còn dư nợ 42 khoản vay (gồm: 19 khoản vay tín dụng và 23 khoản vay thấu chi) với số tiền 1.236.155.886.145 đồng (= 841.710.245.668 đồng tiền gốc + 394.445.640.477 đồng tiền lãi vay), tài sản bảo đảm là 254.971.548.900 đồng, gây thiệt hại cho DAB số tiền 981.184.337.245 đồng đến nay không có khả năng thu hồi. Nguyễn Thị Ngọ phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền thiệt hại nêu trên và có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho DAB liên quan đến hành vi phạm tội của mình”.

Phiên tòa xét xử vụ án diễn ra trong 02 ngày 28/3/2024 dự kiến kết thúc ngày 29/3/2024./.

Lê Hoàng Di Linh - Phòng 3

Tin mới