Thứ Bảy, 14/09/2024
VKSNDTC - Ngày 08/9/2023, Ban cán sự đảng VKSND tối cao tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Cùng dự Hội nghị có đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; Kiểm sát viên VKSND tối cao; Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương; Kiểm sát viên cao cấp; Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp của các đơn vị trực thuộc; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy và toàn thể công chức của Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành, gồm: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; Cơ quan điều tra; đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; Viện cấp cao 1, 2, 3; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đã giới thiệu những nội dung quan trọng, cốt lõi của Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu bật những điểm mới của Quy định số 114 so với Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; đồng thời liên hệ chặt chẽ với việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo đó, để bảo đảm sự đồng bộ với các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng trong nhiệm kỳ XII, XIII về công tác cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114 trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 205 và có bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn.
Quy định số 114-QĐ/TW gồm 5 Chương, 16 điều quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
So với Quy định số 205 trước đây, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong Quy định số 114 đã được mở rộng hơn. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được nêu trong Điều 3 của Quy định số 114 đã được bổ sung một số hành vi mới, bao gồm: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, Quy định số 114 cũng quy định 6 hành vi chạy chức, chạy quyền trên cơ sở kế thừa Quy định số 205, có bổ sung hành vi mới là: Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Để tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định số 114 cũng nhấn mạnh đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, bao gồm: Thành viên trong cùng Ban Thường vụ Cấp ủy, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể Lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành như Nội vụ, Thanh tra, Tài chính, Ngân hàng, Thuế, Hải quan, Công thương, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Quân đội, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương...
Đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, việc ban hành Quy định số 114 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, góp phần làm tốt công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đề cập đến công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu các đồng chí làm công tác cán bộ cần nắm rõ những điểm cốt lõi của Quy định số 114, hiểu và nhận thức đúng, đầy đủ để chấp hành nghiêm trong thực tiễn. Bên cạnh đó, người làm công tác cán bộ phải luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, công tâm, khách quan, làm việc theo đúng quy trình, quy định để lựa chọn được những cán bộ xứng đáng, có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng, bản lĩnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt Quy định số 114 trong phạm vi chức trách của mình, cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát thực hiện Quy định số 114; khi phát hiện vấn đề bất bình thường, có phản ánh cần kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm theo quy định này.