Thứ Hai, 09/12/2024
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04/11/2024, VKSND Thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố của Viện kiểm sát hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 01/12/2022 đến ngày 31/5/2024”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở VKSND Thành phố.
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Thái - Thành ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND Thành phố; Các đồng chí Lãnh đạo VKSND Thành phố; Tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên trung cấp các Phòng 1, 2, 3; Đại diện Lãnh đạo Phòng 7, 8, Văn phòng tổng hợp, Tổ chức cán bộ, Thanh tra; Lãnh đạo VKSND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và cán bộ phụ trách báo cáo chuyên đề.
Hội nghị đã được nghe nội dung chuyên đề “Thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố của Viện kiểm sát hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 01/12/2022 đến ngày 31/5/2024” được trình chiếu dưới dạng Video.
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trình bày tham luận trọng tâm, có chất lượng, từ đó xác định thực trạng, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố và công tác quản lý, báo cáo về công tác này; Đề ra giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất; Hạn chế tối đa việc áp dụng sai quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố dẫn đến phải trả tự do không xử lý hình sự.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Thái - Thành ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND Thành phố đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị chuyên đề. Trong thời gian qua, mặc dù tình hình tội phạm tại Thành phố diễn biến phức tạp; số vụ, việc nhiều nhất so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng số liệu trên cho thấy việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong kỳ rất lớn, nhưng số không xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất thấp. Để đạt được kết quả này do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp, cùng với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp Thành phố trong công tác thực quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để hạn chế thấp nhất các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam, sau đó trả tự do không xử lý hình sự; đồng thời hạn chế trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam chưa đúng, tránh bỏ lọt tội phạm; Thủ trưởng các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các quy chế của ngành, các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo và công chức thực thi nhiệm vụ trong công tác này. Phải coi công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để tập trung làm tốt công tác này, không để xảy ra oan sai, vì hậu quả nếu để xảy ra bắt, tạm giữ, tạm giam oan, sai là rất lớn.
Tránh khuynh hướng lạm dụng bắt, tạm giữ, tạm giam, trường hợp không cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì trao đổi với Cơ quan điều tra, nếu Cơ quan điều tra vẫn đề nghị thì kiên quyết không phê chuẩn việc bắt, tạm giữ, tạm giam; đồng thời tránh khuynh hướng lạm dụng quyền không phê chuẩn hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ.
Phòng 1 - VKSND Thành phố nghiên cứu, đề xuất Lãnh đạo Viện về cơ chế để kiểm soát việc các đơn vị không phê chuẩn hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới.
2. Lãnh đạo các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp phải tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là việc phân công và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên, đặc biệt là việc hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho Kiểm sát viên. Bám sát, phải sâu sát trong từng vụ án, vụ việc cụ thể, đảm bảo chặt chẽ, không được buông lỏng giao phó cho Kiểm sát viên, vì lãnh đạo Viện là người ký phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót. Kiểm tra, giám sát, thông qua việc chỉ đạo Kiểm sát viên xây dựng báo cáo đề xuất, phải yêu cầu báo cáo rõ từng chứng cứ chứng minh và Kiểm sát viên sẽ phải đọc các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, để tránh tình trạng báo cáo đề xuất sao chép từ báo cáo của Cơ quan điều tra.
3. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức thực hiện nhiệm vụ phải nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ để đề xuất phê chuẩn hoặc hủy bỏ các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ.
Khi được phân công nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam phải nghiên cứu kỹ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để đề xuất phê chuẩn hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ; chủ động trong việc phối hợp với Điều tra viên làm rõ vụ án, vụ việc, hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ trước khi đề xuất, bảo đảm việc phê chuẩn, không phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ.
Để làm tốt công việc thì từng công chức phải tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời kết hợp giữa tự nghiên cứu, học tập của từng công chức với công tác đào tạo tại chỗ của các đơn vị thông qua phân công hướng dẫn, kèm cặp, rút kinh nghiệm qua từng vụ án cụ thể, để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
4. Tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra, từ cấp độ phối hợp giữa lãnh đạo đến phối hợp giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên.
Thực hiện đúng và đầy đủ Quy chế phối hợp 3166 nhất là các nội dung để nâng cao hiệu quả việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, như phối hợp trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập, để đề xuất phân loại, xử lý đối với người bị bắt, tạm giữ đúng quy định; phối hợp với Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra để bổ sung; phối hợp với Điều tra viên ghi lời khai đối tượng và những người liên quan trước khi đề xuất lãnh đạo Viện quyết định việc phê chuẩn hay hủy bỏ, không phê chuẩn các quyết định tố tụng.
Tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra, từng đơn vị phải phối hợp, hỗ trợ nhau trong các hoạt động nghiệp vụ để giúp nhau hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. Phối hợp phải linh hoạt và kiên quyết, tránh tình trạng quan hệ xuôi chiều, nể nang, né tránh.
Trần Châu Mai Loan - Phòng 1