Thứ Sáu, 13/12/2024
KIEMSAT.VN - Bài viết nêu bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội danh pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự và đưa ra kiến nghị hoàn thiện về số lượng các tội danh, hình phạt và kỹ thuật lập pháp.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định 33 tội danh mà pháp nhân thương mại (PNTM) phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Trong đó, 22 tội thuộc Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (gồm: Các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234), 09 tội thuộc Chương XIX - Các tội phạm về môi trường (gồm: Các điều 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246) và 02 tội thuộc Chương XXI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (gồm: Các điều 300, 324).
1. Một số bất cập trong quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội
Thứ nhất, xuất hiện nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới của PNTM nhưng chưa được pháp luật hình sự điều chỉnh. Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ngày càng phổ biến và phức tạp, bên cạnh những hành vi mang tính chất tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; môi trường; an toàn công cộng, trật tự công cộng thì còn có tình trạng tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp để thực hiện nhiều loại hành vi vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn vì lợi nhuận, nhiều tổ chức đã lợi dụng, lừa gạt để buộc nạn nhân kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; biết hoặc có khả năng để biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục; tổ chức đưa trái phép người đi lao động nước ngoài, cưỡng bức lao động, hoặc với mục đích vô nhân đạo khác (như buộc nạn nhân phải làm việc trong môi trường độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; hoạt động mại dâm)… Bên cạnh đó, còn có trường hợp nhiều công ty vì cần đất xây dựng khu du lịch, kho bãi... đã tự ý di dời trái phép rất nhiều mồ mả của người dân, gây bức xúc đối với gia đình, người thân, họ hàng và ảnh hưởng đến trật tự trị an nhưng chưa được xử lý....
Ngoài ra, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức có tính xuyên quốc gia không chỉ liên quan tới lĩnh vực kinh tế, thương mại, môi trường, mà còn liên quan tới ma túy, mua bán người, khủng bố, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng quốc tế và trong nước.
Với các vụ việc trên, quy định của pháp luật hình sự hiện hành về phạm vi chịu TNHS của PNTM chỉ mới xử lý được các cá nhân, mà chưa thể xử lý pháp nhân phạm tội. Từ thực tiễn và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, theo tác giả, việc nghiên cứu quy định phạm vi chịu TNHS của pháp nhân theo hướng mở rộng hơn (không chỉ là các tội xâm phạm đến lĩnh vực kinh tế, môi trường và an toàn công cộng, trật tự công cộng) là cần thiết, nhằm đáp ứng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do pháp nhân thực hiện, yêu cầu của việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như bảo đảm việc nội luật hóa đầy đủ hơn các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có liên quan tới TNHS của pháp nhân.
Thứ hai, về kỹ thuật lập pháp. Đối với 33 tội danh mà PNTM phải chịu TNHS, có 26/33 điều luật quy định việc xác định PNTM phạm tội hoàn toàn căn cứ vào dấu hiệu pháp lý quy định đối với cá nhân, mà không bổ sung thêm điều kiện để xác định PNTM phạm tội; có 07/33 điều luật vừa có điểm bổ sung các điều kiện cấu thành tội phạm đối với PNTM, vừa quy định cấu thành tội phạm đối với cá nhân. Điều này đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa 07 điều luật với 26 điều luật còn lại (căn cứ vào dấu hiệu pháp lý quy định đối với cá nhân phạm tội), không bảo đảm sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp; đồng thời, tạo ra sự không bình đẳng giữa hai chủ thể tội phạm và chịu TNHS là cá nhân và pháp nhân. Ví dụ: Tội buôn lậu (Điều 188 BLHS năm 2015), cá nhân thực hiện hành vi buôn lậu có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì cá nhân đó phải chịu TNHS, nhưng PNTM thực hiện hành vi buôn lậu cùng mức giá trị này chưa phải chịu TNHS, trong khi hậu quả gây ra cho xã hội là giống nhau.
Thứ ba, về hình phạt chính và hình phạt bổ sung quy định tại 33 tội danh mà PNTM phải chịu TNHS.
Đối với hình phạt chính: Phạt tiền là hình phạt chính quy định đối với tất cả 33 tội danh (chiếm 100%); hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn được quy định đối với 24/33 tội danh (chiếm 72,73 %) tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 200, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 246 và 324 BLHS năm 2015; hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn được quy định thành một khoản riêng đối với 21/33 tội danh (chiếm 63,64%) tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 200, 203, 211, 234, 235, 237, 238, 239, 243, 244, 245, 300 và 324 BLHS năm 2015.
Đối với hình phạt bổ sung: Có 32/33 tội danh (chiếm 96,97%) mà PNTM phải chịu TNHS có hình phạt bổ sung. Trong đó, có 31/32 tội danh có đủ 03 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính); 01 tội danh có 02 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn).
Như vậy, hệ thống hình phạt áp dụng đối với PNTM phạm tội có cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung, trong đó chú trọng đến hình phạt tiền (vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính). Việc quy định hệ thống hình phạt đa dạng giúp Tòa án áp dụng linh hoạt hình phạt đối với PNTM phạm tội; bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân hóa TNHS và cá thể hóa hình phạt khi giải quyết vụ án cụ thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu về khung hình phạt áp dụng cho PNTM tại các điều luật, tác giả thấy rằng, các tội phạm về môi trường do PNTM thực hiện thường gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường trên diện rộng, gây thiệt hại và tác động đến nhiều mặt của tự nhiên và đời sống xã hội, con người, nên mức phạt tiền tối đa là 20 tỉ là chưa tương ứng, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Đối với tội tài trợ khủng bố và rửa tiền, xét về tính chất và mức độ nghiêm trọng, việc áp dụng hình phạt “tiền” và “đình chỉ hoạt động có thời hạn” là chưa phù hợp.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở phân tích những điểm bất cập tại 33 điều luật trong Phần các tội phạm BLHS năm 2015 mà PNTM phải chịu TNHS, đồng thời nhằm đáp ứng thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm do pháp nhân thực hiện và phù hợp với yêu cầu thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có liên quan tới TNHS của pháp nhân, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, bổ sung một số tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS.
Về lâu dài, cần nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi chịu TNHS của PNTM. Tuy nhiên, trước mắt, ngoài 33 tội danh theo BLHS năm 2015, tác giả đề nghị bổ sung 12 tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS thuộc 05 chương gồm: Điều 150 “Tội mua bán người” (thuộc Chương XIV. Các tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người); Điều 174 “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (thuộc Chương XVI. Các tội xâm phạm sở hữu); Điều 248 “Tội sản xuất trái phép chất ma túy”, Điều 249 “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy”, Điều 250 “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, Điều 251 “Tội mua bán trái phép chất ma túy”, Điều 253 “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” (thuộc Chương XX. Các tội phạm về ma túy); Điều 319 “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” (thuộc Mục 4 Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng); Điều 321 “Tội đánh bạc”, Điều 322 “Tội tổ chức đánh bạc và gá bạc” (thuộc Mục 4 Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng); Điều 353 “Tội tham ô tài sản” (thuộc Mục 1) và Điều 364 “Tội đưa hối lộ” (thuộc Mục 2 Chương XXIII. Các tội phạm về chức vụ).
Hai là, sửa đổi hình phạt và khung hình phạt áp dụng đối với pháp nhân.
Cần tăng mức xử phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường. Các tội phạm về môi trường do pháp nhân thực hiện thường gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường trên diện rộng, gây thiệt hại và tác động đến nhiều mặt của thiên nhiên và đời sống, xã hội con người. Vì vậy, cần xem xét mức xử phạt tương ứng với mức độ hậu quả mà pháp nhân gây ra. Đồng thời, cần bổ sung chế tài bắt buộc những pháp nhân đó khắc phục hậu quả thiệt hại cho môi trường.
Hình phạt hiện hành đối với pháp nhân phạm tội tài trợ khủng bố và rửa tiền bao gồm phạt tiền, đình chỉ có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Tuy nhiên, xét về tính chất và mức độ nghiêm trọng của hai tội này, theo tác giả, chỉ cần áp dụng một hình phạt duy nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nhằm tránh việc pháp nhân tiếp tục phạm tội.
Ba là, về mặt kỹ thuật lập pháp, để có sự nhất quán trong quy định của các tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS, BLHS năm 2015 cần được sửa đổi theo hướng: Không bổ sung dấu hiệu định tội áp dụng riêng biệt cho pháp nhân, mà chỉ nên quy định:“Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt... Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt...”.