Thứ Ba, 10/09/2024
Tapchitoaan.vn - TRẦN THỊ NHẬT VI (Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận) - Nghiên cứu bài viết “Xác định tội danh của Lê Hoài D?” của tác giả Đoàn Phước Hòa đăng ngày 16/12/2023, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng Lê Hoài D phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS.
Tội Cướp tài sản và Công nhiên chiếm đoạt tài sản đều là hai tội phạm xâm hại đến quyền sở hữu tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tuy nhiên pháp luật hình sự lại quy định đây là hai tội phạm riêng biệt. Trong BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 và BLHS năm 2015 quy định hành vi khách quan trong tội “Cướp tài sản” và tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” không có gì thay đổi. Để có cái nhìn toàn diện và phân tích sự khác biệt cơ bản của hai tội này trong vụ án “Xác định tội danh của Lê Hoài D?”, chúng ta sẽ phải so sánh mặt khách quan của hai tội “Cướp tài sản” và tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Điều 168 BLHS năm 2015 quy định đối với tội “Cướp tài sản” thì dấu hiệu thuộc mặt chủ quan cũng như dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là “Người phạm tội phát sinh ý thức chiếm đoạt tài sản phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được”. Điều này có nghĩa là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác mà người phạm tội thực hiện phải là “nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản”.
Đối với tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS năm 2015 quy định thì hành vi thuộc mặt khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản, nhưng bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh... Trong số những hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, về mặt khách quan có cả hành vi chiếm đoạt tài sản sau khi đã thực hiện xong hành vi phạm tội khác (thông thường là hành vi phạm tội Giết người, Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Hiếp dâm,…).
Căn cứ các quy định của BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án về tội cướp tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản, tác giả nhận định Lê Hoài D phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS. Bởi lẽ:
Thứ nhất, Hành vi của Trần Văn A (A), Lê Hoài D (D), Bùi Quang H (H), Phan Văn N (N) dùng rựa, cây đánh Trịnh Quốc B (B) gây thương tích 11% cấu thành tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS. Hành vi phạm tội này đã hoàn thành và kết thúc khi B bị ngất xỉu và A, H, N vứt lại khúc cây đang cầm tại sân nhà B rồi ra ngoài đường. Sau khi A, N và H đi ra ngoài đường, D đá vào người B một cái nhưng thấy B không có phản ứng gì do bị ngất. Ngay lúc đó, D mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của B nên lật người của B nằm ngửa, rồi lục túi quần của B lấy 01 cái điện thoại (giá trị 8.000.000 đồng) và 2.000.000 đồng bỏ vào túi quần. Lúc này, bà M mặc dù thấy hành vi của D nhưng không dám phản ứng. Sau khi chiếm đoạt điện thoại và tiền của B, D cầm rựa đi ra ngoài đường rồi tất cả đi về. Hành vi nảy sinh và thực hiện ý định lấy tài sản của D là hành vi phát sinh bộc phát của một mình D mà cả A, N và H không hề biết và cũng không chứng kiến. Điều này chứng tỏ, mục đích ban đầu của các đối tượng đến nhà B là để đánh B (do B có mâu thuẫn với A trước đó), chứ không hề có ý định chiếm đoạt tài sản của B hoặc của bất kỳ ai.
Thứ hai, Việc D có hành vi đá vào vào chân B trước khi nảy sinh ý định lấy điện thoại và tiền của B không phải là dấu hiệu thuộc mặt khách quan, chủ quan của tội “Cướp tài sản”, bởi vì: D đá vào chân B khi B đã bị ngất xỉu từ trước đó; hành vi đá vào chân này không phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và sau khi đá vào chân B, thấy B không có phản ứng gì thì ngay sau đó, D mới nảy sinh ý định và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của B. Kể từ thời điểm D nảy sinh ý định chiếm đoạt điện thoại và tiền của B thì D hoàn toàn không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho B lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. B bị ngất xỉu không còn khả năng bảo vệ được tài sản khi D thực hiện hành vi chiếm đoạt là do bị đánh trước đó và đây được xem là do điều kiện khách quan mang lại. Việc D lấy điện thoại và tiền của B được D thực hiện một cách công khai, không dùng bất kỳ thủ đoạn nào, không cần che giấu hành vi phạm tội rồi ung dung rời khỏi nhà của B là đã đầy đủ dấu hiệu về mặt khách quan của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Thứ ba, Trong vụ án này, hành vi chiếm đoạt điện thoại di động và tiền của B do D thực hiện chỉ phạm vào tội “Cướp tài sản” nếu rơi vào một trong các trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Là trường hợp khi D đang thực hiện hành vi lấy chiếc điện thoại di động và tiền của B thì bị bà M (mẹ B) phản ứng, giằng co ngăn cản và lấy điện thoại và tiền lại từ tay D nhưng bị D dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực dẫn đến không dám chống cự hoặc không thể chống cự được.
Trường hợp thứ hai: Là sau khi A, N, H bỏ đi ra ngoài và D thực hiện hành vi lấy điện thoại nhưng đột nhiên B tỉnh dậy, phản ứng, bắt đầu giằng co điện thoại và tiền lại từ tay D và bị D tiếp tục dùng vũ lực dẫn đến không dám chống cự hoặc không thể chống cự được.
Từ những phân tích và đánh giá trên, tác giả đồng thuận với quan điểm xác định hành vi chiếm đoạt 01 điện thoại (giá trị 8.000.000 đồng) và 2.000.000 đồng của Trịnh Quốc B (B) do Lê Hoài D (D) thực hiện đã phạm vào tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS chứ không phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết, rất mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi của quý đồng nghiệp và bạn đọc.
Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" - Ảnh: Ái Bình