Thứ Hai, 09/12/2024

Giải pháp đột phá nào để khắc phục hạn chế trong hoạt động giám định tư pháp?

BVPL - Sáng 15/8, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã có phần trả lời, làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu Quốc hội nêu.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8 tại Hội trường Diên Hồng (ảnh: VPQH cung cấp).

Hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế?

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội (ảnh: VPQH cung cấp)

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế như: Chưa được quan tâm nên mọi nguồn lực cho hoạt động này còn nhiều hạn chế; còn tâm lý né trách, đùn đẩy; thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao…

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế trong hoạt động giám định tư pháp?

Cùng với đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, trả lời ý kiến ĐBQH tại phiên chất vấn do UBTVQH tổ chức ngày 20/3/2023 về xử lý vụ án ra quyết định trái pháp luật tại Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, do không có cơ quan nào giám định, định giá được lô gỗ vật chứng đã bán nên không có cơ sở đánh giá hậu quả hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị (ảnh: VPQH cung cấp)

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết trách nhiệm giám định này thuộc về cơ quan nào và Bộ trưởng có giải pháp gì để việc giám định vụ việc này được thực hiện, khi nào sẽ hoàn tất việc giám định này? Đại biểu cũng đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải trình làm rõ thêm về vụ việc này.

Cần nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định

Trả lời 2 câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, giám định tư pháp là việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hết sức quan tâm. Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã có sửa đổi bổ sung 6 nhóm vấn đề trực tiếp triển khai các chỉ đạo cụ thể của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Hiện nay, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có những chỉ đạo hết sức cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên phải trực tiếp, cần cân nhắc Điều 26 về thời hạn giám định, cần phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp giám định bắt buộc…

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để kéo dài thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp sau này phát hiện chưa đủ yếu tố truy tố trách nhiệm hình sự. Cần nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định theo Nghị quyết 49; làm rõ các vấn đề về kinh phí, chi phí, trách nhiệm trưng cầu giám định của các giám định viên.

Chưa có kết quả giám định nên phải tạm dừng điều tra

Tham gia trả lời, làm rõ thêm chất vấn của đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, đây là 2 vụ án, 1 là vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm); 2 là vụ án ra quyết định trái pháp luật. 

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tham gia trả lời, làm rõ thêm chất vấn của đại biểu (ảnh: VPQH cung cấp)

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, Cơ quan điều tra VKSND tối cao hiện mới ra quyết định tạm đình chỉ chứ không phải là dừng điều tra do trong thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã gửi văn bản đề nghị 4 cơ quan, đơn vị có liên quan nhưng hiện vẫn chưa có kết quả giám định nên không xác định được hậu quả thiệt hại, vì vậy chưa thể tiếp tục xử lý (vì điều tra thì có thời hạn còn giám định thì chưa quy định thời hạn -PV).

Đồng chí Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, ngay khi có kết quả giám định, Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Minh Khôi

Tin mới