Thứ Tư, 30/04/2025
Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh (Đoàn giám sát) về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; chiều ngày 22/11/2024, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố), Đoàn giám sát thực hiện giám sát trực tiếp kết quả công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Thành phố, VKSND Thành phố và Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố.
Đoàn Giám sát do đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn; đồng chí Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố - Phó Trưởng đoàn cùng các thành viên Đoàn giám sát và đại diện Ban Nội chính Thành ủy, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố.
Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát, về phía VKSND Thành phố có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND Thành phố: Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Ngô Phạm Việt, Nguyễn Anh Tuấn và thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND Thành phố; về phía TAND Thành phố có đồng chí Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND Thành phố và lãnh đạo các đơn vị thuộc TAND Thành phố; về phía Cơ quan CSĐT Công an Thành phố, có đồng chí Đại tá Trần Thị Kim Lý, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Công an Thành phố và lãnh đạo các phòng thuộc Cơ quan CSĐT Công an Thành phố.
Theo báo cáo của các cơ quan tố tụng, trong năm 2024 tình hình tội phạm và tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trên địa bàn Thành phố tiếp tục tăng về số lượng cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và sự đa dạng, phức tạp của các quan hệ tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo các cơ quan tố tụng cùng đội ngũ cán bộ, công chức, chiến sĩ và sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành tố tụng trong thời gian qua, chất lượng công tác của các đơn vị đều được nâng lên và có những chuyển biến rõ rệt, các chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết 96 của Quốc hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Ngành luôn được Thủ trưởng các đơn vị quan tâm và có những giải pháp nổi bật, đột phá nhằm xây dựng lực lượng đáp ứng nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Sau khi nghe báo cáo của các cơ quan tố tụng, thành viên Đoàn giám sát đã đề ra các yêu cầu và nội dung thảo luận, trong đó tập trung vào diễn biến tình hình tội phạm công nghệ cao; thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng; công tác phối hợp rà soát, giải quyết án tạm đình chỉ; việc kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; công tác kiểm sát thi hành án dân sự nhất là các trường hợp có điều kiện thi hành án trên 3 năm nhưng chưa thi hành và việc thi hành các bản án hành chính; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác; các điều kiện đảm bảo hoạt động và xây dựng lực lượng của mỗi Ngành;…
Trên sở sở các nội dung yêu cầu của thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo các cơ quan tư pháp cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã cùng tham gia thảo luận và làm rõ những nội dung kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Qua đó, các thành viên Đoàn giám sát đều thống nhất, đánh giá cao kết quả công tác mà Cơ quan CSĐT Công an Thành phố, VKSND Thành phố và TAND Thành phố đạt được trong thời gian qua đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố - Trưởng Đoàn Giám sát yêu cầu các cơ quan tố tụng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua và tiếp tục có những giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ngành. Đồng thời, Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành và cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Tin: Anh Kiệt - Ảnh: Tuấn Trung