Thứ Bảy, 14/09/2024
BVPL - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Sang đề nghị đưa xe của VKSND tối cao đi làm nhiệm vụ khẩn cấp vào đối tượng xe ưu tiên tại khoản 36 Điều 3 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ có xe của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là đúng nhưng chưa đầy đủ.
Tại phiên thảo luận chiều 24/11, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình) cơ bản đồng tình và thống nhất cao với dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, nhiều nội dung được đưa vào phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về trật tự an toàn giao thông đường bộ, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này. Việc tách các nội dung của Luật GTĐB năm 2008 để xây dựng thành 2 dự án luật (Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ) là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Góp ý về quyền của xe ưu tiên tại Điều 26, ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung nội dung "xe Viện Kiểm sát nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng xe ưu tiên” vào trong Dự án Luật, để bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân và bảo đảm tính đồng bộ, thực tiễn thi hành pháp luật, nhất là các đạo luật về tư pháp… Vì theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thì Viện Kiểm sát có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn (Điều 165 Bộ Luật Tố tụng hình sự), biện pháp cưỡng chế theo luật… trong đó có biện pháp bắt bị can để tạm giam (Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự);…Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát phải có mặt thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét… Đây là những nhiệm vụ khẩn cấp, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có mặt kịp thời để tiến hành việc bắt, khám nghiệm, khám xét, nhất là việc khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm.
Về phần mình, khi tranh luận về khoản 36 Điều 3 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong phần tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo quy định xe của VKSND tối cao đi làm nhiệm vụ khẩn cấp được bổ sung là đối tượng xe ưu tiên. Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Thanh Sang, quy định bổ sung như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhận thấy, đó là bổ sung cho Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, trong khi hàng ngày, VKSND cấp huyện và VKSND của 63 tỉnh, thành phố vẫn phải thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đó, Kiểm sát viên thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét và phối hợp với Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mà không được quy định vào nhóm đối tượng được sử dụng xe ưu tiên là không phù hợp.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị đưa xe của VKSND tối cao đi làm nhiệm vụ khẩn cấp vào đối tượng xe ưu tiên tại khoản 36 Điều 3 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp. Nếu chỉ có xe của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là đúng nhưng chưa đầy đủ.
Trước đó, tại phiên thảo luận Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sáng 10/11/2023), đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, đại biểu đề xuất cần bổ sung xe của VKSND đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng “xe ưu tiên”.
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị, cần bổ sung xe của VKSND đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng xe ưu tiên. Điều này vừa bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKSND, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thực tiễn thi hành pháp luật.
Lý giải đề xuất này, đại biểu Sang nêu lên 2 lý do, thứ nhất, theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì VKS có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp bắt bị can để tạm giam. Kiểm sát viên của VKS phải có mặt thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét... Đây là những nhiệm vụ khẩn cấp, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có mặt kịp thời. Nếu Kiểm sát viên chưa có mặt thì không tiến hành được việc khám nghiệm, khám xét theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Mặt khác, thực hiện yêu cầu về cải cách tư pháp “tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra” và theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tiến hành hoạt động xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiến hành một số hoạt động điều tra và tham gia phối hợp cùng Điều tra viên trong hoạt động điều tra theo quy định của của pháp luật (đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, hỏi cung bị can, lấy lời khai...).
Như vậy, từ khi thụ lý và suốt quá trình điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải tham gia phối hợp với Điều tra viên để tiến hành hoạt động điều tra. Do đó, cần trang bị xe ưu tiên để VKS thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật; tương tự như đối với CQĐT của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Thứ hai, khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định Cơ quan điều tra của VKSND tối cao là một trong ba hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách tiến hành điều tra 38 tội phạm xâm phạm hoạt động pháp, tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp..., trong đó tiến hành những nhiệm vụ khẩn cấp như bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội...
Tuy nhiên, khoản 36 Điều 3 dự thảo Luật mới chỉ quy định “xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp” nhưng không quy định xe Cơ quan điều tra VKSND tối cao đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, như vậy là chưa tương ứng với các Cơ quan điều tra chuyên trách trong CAND và Quân đội nhân dân, chưa bảo đảm điều kiện để Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Vì thế, cần bổ sung quy định “Xe của VKSND đi làm nhiệm vụ khẩn cấp” vào đối tượng “xe ưu tiên”.