Thứ Ba, 10/09/2024

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố hơn nữa niềm tin của Nhân dân với Đảng

28/09/2023 - 16:10 | Tin trong nước và thế giới

(Thanhuytphcm.vn) - Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp nâng cao nhận thức, ý chí và hành động, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham những, tiêu cực, củng cố hơn nữa niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ và các đại biểu tham dự Hội nghị giao ban với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy, quý I năm 2023 tại điểm cầu TPHCM vào ngày 31/3/2023. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Bước tiến mới về nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của chế độ và chỉ rõ đây là một loại “giặc nội xâm”. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trình độ quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện tạo nên nhiều “kẻ hở” để một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền lợi dụng.

Với những bước tiến mới về nhận thức, về vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ngày càng sâu sắc hơn, toàn diện hơn, Đảng ta xác định đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Phòng, chống tham nhũng được gắn với phòng chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Trong cuộc chiến với “giặc nội xâm”, Đảng ta xác định mục tiêu, phương châm, phương thức tiến hành. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính; phát hiện xử lý nghiêm minh. Mục tiêu “bốn không” (đó là: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực) và quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” được sự đồng tình, hưởng ứng trong nhân dân.

Bốn kết quả nổi bật

Tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong 10 năm qua, đã cho thấy 4 kết quả nổi bật.

- Về phát hiện, xử lý, trong 10 năm (2012 – 2022) đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/ 33.868 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/ 5.841 bị can. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã khởi tố, điều tra 4.200 vụ/ 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội về tham nhũng là 455 vụ/ 1.054 bị can.

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám” tham nhũng, tiêu cực. Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

- Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, giám sát, kiểm soát quyền lực, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện cải cách hành chính, coi trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở và đối thoại với các tầng lớp nhân dân. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, chuẩn mực con người Việt Nam làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.

- Mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực Nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế.

Hiện nay, sự cấu kết giữa những người thoái hóa, biến chất trong khu vực Nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực Nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến của tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, tội phạm tham nhũng có tính quốc tế là vấn nạn của các quốc gia. Việc phối hợp với các cơ quan tư pháp các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ đối tượng phạm tội tham nhũng lẫn trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài đã được tăng cường.

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VTC.vn)

Những khó khăn, thách thức

Với quyết tâm chính trị cao, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt và có kết quả rõ rệt trong thời gian vừa qua. Những kết quả nổi bật của cuộc đầu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội.

Cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực còn chung chung, chồng chéo, sơ hở, bất cập nhưng chưa được sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, nhiều trường hợp lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức. Việc giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tăng nhưng vẫn còn thấp.

Hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được tăng cường.

Những bài học lớn được Tổng Bí thư đúc kết từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xem là cẩm nang, cùng những định hướng quan trọng về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo một cách có hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Tổng Bí thư, đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Phải xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa. Coi trọng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm trong xây dựng, ban hành chính sách, loại trừ nguy cơ tham nhũng chính sách pháp luật. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một vài đề xuất

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo (dành thời gian và nguồn lực) xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, khắc phục tình trạng chung chung, chồng chéo, xung đột, không rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi công vụ. Mặc khác, khắc phục tình trạng văn bản dưới luật quy định thủ tục nhiêu khê, gây khó khăn, ách tắc. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất, cũng là nguyên nhân của không ít sai sót, rủi ro trong thi hành công vụ thời gian vừa qua, cản trở sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Cần có sự phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng, rành mạch và theo hướng tạo sự chủ động cho bên dưới, khắc phục “cơ chế xin – cho”.

- Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải nêu gương tốt, tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm’, thiếu lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới.

- Trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực phải thực sự nghiêm minh, khách quan và công bằng, tránh oan sai. Trong thực tế, quy trình giải quyết công vụ qua nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nếu có sai, cần làm rõ sai từ khâu nào, ai chịu trách nhiệm, chứ không phải một vụ việc có sai sót thì tất cả đều chịu trách nhiệm.

- Không hình sự hóa nếu không chứng minh được tham nhũng và không hình sự hóa những vụ án kinh tế.

- Cần có chủ trương phù hợp trong sử dụng nhà đất, tài sản công. Hiện nay, việc sử dụng nhà đất, tài sản công tại TPHCM còn lãng phí, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều đơn vị sự nghiệp, mặt bằng để trống, muốn dùng làm nơi giữ xe, căn-tin… cũng phải làm đề án mà rất chậm được xét duyệt. Cần sớm có hướng giải quyết một cách thấu đáo nhằm tạo điều kiện phục vụ người dân tốt hơn.

- Đối với cơ sở nhà đất, tài sản công do các bộ, ngành Trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM cần có sự sắp xếp hợp lý, phối hợp chặt chẽ với TPHCM trong xử lý để tạo nguồn vốn cho đầu tư công, khắc phục tình trạng lãng phí, thậm chí sử dụng sai mục đích.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng cần coi trọng phòng ngừa, coi trọng việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Phải kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay tại cơ quan, đơn vị, ở tất cả các cấp, các ngành. Đây là công việc khó nhưng có quyết tâm và đồng lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phạm Phương Thảo

Tin mới