Thứ Bảy, 14/09/2024

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp

23/11/2023 - 14:18 | Tin trong nước và thế giới

KIEMSAT.VN - Thảo luận tại hội trường về các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao ngày 21/11/2023, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp.

Đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ đồng tình các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp, đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rất rõ các vấn đề đạt được, chưa đạt được và các kiến nghị để thực hiện tốt trong thời gian tới.

Qua các báo cáo, đại biểu Trần Công Phàn nhận thấy nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đều được nâng lên, truy tố, xét xử đúng người đúng tội. Đây là những chỉ tiêu rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp trong năm 2023.

Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, các kết quả đạt được trong điều kiện biên chế và kinh phí chưa đầy đủ, áp lực công việc rất nhiều. Mặc dù các cơ quan tư pháp đã đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tội phạm vẫn gia tăng nhiều.

Nhận thấy các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát có tính chất rất đặc thù, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, việc cấp kinh phí và biên chế, trang thiết bị giống như các cơ quan hành chính sẽ rất khó khăn. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến các cơ quan tư pháp nói chung và Viện kiểm sát, Tòa án nói riêng trong việc cấp kinh phí, biên chế, trang thiết bị tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra, vì nhiệm vụ ngày càng nhiều hơn, áp lực càng cao hơn nên cần phải bổ sung cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo của ngành tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Nhằm đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn của ngành tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân góp ý đối với 5 kiến nghị của VKSND và 5 khó khăn của TAND tại Báo cáo số 110 cần được Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 6 để các cơ quan có liên quan thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, báo cáo những năm qua đã ghi nhận các hạn chế này nhưng đến nay nhiều nội dung chưa đưa vào giải quyết. Đơn cử báo cáo của hai cơ quan TAND và VKSND đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa bố trí đảm bảo, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân quan tâm nhất về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành, tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc và nguyên nhân cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo cho một biên chế trong từng ngành tư pháp và đảm bảo cho hoạt động thực tế của ngành theo luật định.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị pháp luật cần quy định rõ hơn nội dung do ngân sách nhà nước của địa phương đảm bảo mức nào, hỗ trợ ra sao cho các cơ quan tư pháp cùng cấp để hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, kiến nghị nếu chưa có giải pháp bố trí đầy đủ biên chế cho các ngành tư pháp ở các cấp thì cần có cơ chế tài chính đảm bảo để TAND, VKSND các cấp thuê mướn nhân lực, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, nhất là trong lĩnh vực số hóa hồ sơ, tổng đạt các quyết định công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển. Điều này chính là cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là với đội ngũ thẩm phán.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhận thấy, khối lượng công việc của các ngành Công an, TAND, VKSND, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp đều tăng cao nhưng kết quả thực hiện các chỉ tiêu đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ngành. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý xã hội, quản lý kinh tế được phát hiện, sửa chữa, ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội được nâng cao, nhân dân tin tưởng và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tội phạm của Đảng, Nhà nước.

Từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang, để tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận được hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất với Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm đầu tư hơn nữa nguồn lực cho các cơ quan tư pháp. Cụ thể là mặc dù những năm qua đã có sự quan tâm, đầu tư nhất định về cơ sở vật chất nhưng hiện tại mới đến với cấp tỉnh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn đối với các cấp huyện, cấp xã gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo điều kiện làm việc, nhất là cơ quan TAND, cơ quan VKSND, cơ quan thi hành án cấp huyện và công an nhân dân cấp xã.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục quan tâm bảo đảm tăng cường nguồn lực cho địa phương, đồng thời có chỉ đạo, hướng dẫn để cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chung tay dành nguồn lực hỗ trợ, có như vậy địa phương mới có cơ sở cho việc đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất của các cơ quan này.

Trịnh Quyết

Tin mới