Thứ Sáu, 13/12/2024

Công tác thi đua, khen thưởng của ngành Kiểm sát nhân dân 63 năm xây dựng và trưởng thành

BVPL - Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân. Và ngày 11 tháng 6 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành KSND

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước, ngành Kiểm sát nhân dân trong nhiều năm qua đã luôn xác định công tác thi đua là nền tảng, động lực để toàn Ngành vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ. Ngay từ giai đoạn đầu mới thành lập Viện kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên đã chỉ đạo phát động và thực hiện phong trào thi đua trong toàn Ngành.

Tại Chỉ thị số 02 ngày 16/4/1962 của Viện trưởng VKSND tối cao đã nêu rõ phương hướng thi đua trong ngành Kiểm sát là “cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm; đi sâu, đi sát, khẩn trương, kịp thời để phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị, cho sản xuất và xây dựng….”. Tiếp nối chủ trương này, trong những năm kháng chiến chống Mỹ và sau khi đất nước thống nhất, phong trào thi đua “Ba cải tiến” trong toàn Ngành càng được phát huy và triển khai thực hiện rộng khắp các đơn vị, các cấp Kiểm sát. Ngành Kiểm sát đã tổ chức nhiều Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc nhằm cổ vũ phong trào thi đua, tuyên dương những điển hình tập thể, cá nhân đạt thành tích trong toàn Ngành. Năm 1985 ngành Kiểm sát nhân dân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất; năm 1990 được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Trong 30 năm đầu kể từ khi thành lập ngành Kiểm sát, nhiệm vụ tham mưu về công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) được giao cho Văn phòng Viện kiểm sát các cấp chủ trì phối hợp với Vụ Tổng hợp VKSND tối cao thực hiện. Ngày 01/01/1998, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quyết định thành lập Phòng Thi đua thuộc Văn phòng VKSND tối cao, đây là đơn vị chuyên trách đầu tiên về công tác thi đua của ngành Kiểm sát. Sau khi Phòng Thi đua được thành lập, công tác TĐKT của Ngành đã có những bước phát triển, đã tham mưu đẩy mạnh phong trào thi đua. Công tác TĐKT của Ngành đã có nhiều sự kiện nổi bật với nhiều dấu mốc quan trọng, trong đó có sự kiện năm 2008, 2013 ngành Kiểm sát đã tổ chức Hội nghị vinh danh Kiểm sát viên, Điều tra viên tiêu biểu, Đại hội thi đua yêu nước của ngành KSND.

Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nghe Lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng báo cáo công tác

Để công tác TĐKT của Ngành có bộ máy quản lý, vận hành đi vào nền nếp; công tác thi đua trở thành hoạt động thường xuyên, có tính thiết thực, hiệu quả đáp ứng với sự phát triển lớn mạnh của ngành Kiểm sát và thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, Viện trưởng VKSND tối cao đã báo cáo và ngày 29/7/2013 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết định thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16) thuộc VKSND tối cao. Ở VKS các cấp không thành lập Phòng TĐKT mà nhiệm vụ này được giao cho đơn vị Văn phòng VKS các cấp thực hiện. Từ đó đến nay, sau 10 năm xây dựng, trưởng thành, đơn vị Vụ 16 VKSND tối cao đã thực sự phát huy được vai trò tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao để chỉ đạo toàn Ngành triển khai thực hiện có hiệu quả công tác TĐKT.

Hằng năm, cùng với Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát, Vụ 16 đã tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị của Viện trưởng về công tác TĐKT trong ngành KSND. Nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, hàng năm trong nội dung thi đua đều được Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chỉ thị toàn Ngành về chủ đề thi đua gắn với yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm đột phá của từng năm. Năm 2021 và năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, khát vọng cống hiến, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, năm 2023 là “Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Để triển khai chủ trương về công tác thi đua của Viện trưởng, các phong trào thi đua của Ngành đã được Vụ 16 bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về công tác TĐKT, thường xuyên chủ động tích cực tham mưu cho Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo toàn Ngành thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thi đua lập thành tích nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; đặc biệt là các đợt thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

VKS các cấp trong toàn Ngành đã có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là Phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", Phong trào ngành KSND thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch  Hồ Chí Minh “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”... Cùng với đó, các phong trào thi đua  "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Dân vận khéo";... đặc biệt là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau";  "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"... đã được ngành Kiểm sát xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai gắn với tổng kết khen thưởng, hàng ngàn lượt tập thể và cá nhân trong Ngành đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Qua thực tiễn các phong trào thi đua, nhiều đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực công tác, các đơn vị của toàn Ngành. Nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc như VKSND TP Hà Nội, VKSND TP Hồ Chí Minh, VKSND tỉnh Quảng Ninh, VKSND tỉnh An Giang đã vinh dự được đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Trong 10 năm qua, đã có 4 lượt tập thể, 15 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng, 188 tập thể, 194 cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, 22 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, hàng trăm cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...; năm 2020, VKSND tối cao vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba. Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên trong toàn Ngành phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến để vượt lên khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của công tác TĐKT trong ngành Kiểm sát nhân dân, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, quy định, hướng dẫn về công tác TĐKT và chỉ đạo tổ chức kiểm tra, khảo sát, tập huấn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác TĐKT. Từ sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của người đứng đầu ngành KSND, nên công tác TĐKT thời gian qua đã có sự đổi mới, chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả cao, lãnh đạo VKS các cấp đã chú ý gương mẫu đi đầu với phương châm “công việc làm trước, khen thưởng nhận sau”; kết quả công tác thi đua gắn với kết quả chuyên môn. Toàn Ngành đã chuyển biến về mặt nhận thức công tác thi đua không chỉ là nhận hình thức khen thưởng mà thi đua chính là sự đóng góp những kinh nghiệm, cách làm hay nhằm giải quyết thực tiễn công tác của đơn vị và của Ngành.

Trong thời gian tới, yêu cầu đối với công tác thi đua của ngành KSND phải thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua phải có phương hướng đúng và vững” để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của người đứng đầu các cấp Kiểm sát và cấp ủy trong triển khai công tác TĐKT;  đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo,  chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác TĐKT tại VKS các cấp.

Bài học kinh nghiệm lớn đã được ngành Kiểm sát đúc rút qua công tác TĐKT trong suốt 63 năm qua đó là thi đua phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng; Đội ngũ những người làm công tác TĐKT cần có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TĐKT, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm; tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy làm công tác TĐKT trong toàn Ngành theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Từ những kết quả đạt được trong hơn 60 năm qua của ngành KSND, có thể khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn. Và ngày nay như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng". Điểm lại những thành tựu quan trọng, toàn diện mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân.

Nguyễn Hải Trâm - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao

Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành KSND

Tin mới