Thứ Bảy, 14/09/2024
Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta; tuyên truyền sâu rộng trong Đoàn viên, thanh niên về truyền thống vẻ vang của Đoàn, lịch sử địa phương và Kỉ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023). Ngày 26/3/2023, Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh đã tổ chức hoạt động về nguồn tại di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt rại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Chi đoàn chụp hình lưu niệm tại di tích
Chuyến về nguồn đã đem đến cho các Đoàn viên nhiều cung bậc cảm xúc cũng như lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tại đây, đoàn đã được nghe thuyết minh về mô hình Nhà lao có 8 phòng giam, chia thành 2 khu: khu giam tù nhân nam có 6 phòng và khu giam tù nhân nữ có 2 phòng. Diện tích mỗi phòng khoảng 30 m2, thường giam từ 60 - 70 tù nhân, có phòng lúc cao điểm giam gần 100 tù nhân. Cuối hành lang hai khu phòng giam là các dãy xà lim biệt giam những chiến sỹ chống đối. Đặc biệt, có một hầm đá xây khuất sau hành lang xà lim, không có mái che mà chỉ có lưới kẽm gai chăng dày bên trên để địch thực hiện hình phạt phơi sương, phơi nắng tù nhân.
Đoàn viên Chi đoàn đang nghe thuyết trình về mô hình Nhà giam
Đồng thời, hiểu về quá trình đấu tranh của các chiến sỹ nơi đây, dù còn nhỏ tuổi, các tù nhân thiếu nhi vẫn bị hành hạ, tra tấn dã man bằng nhiều hình thức: còng tréo, đánh bằng roi tết từ dây điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, hay dùng bóng điện cao áp sáng nóng ấn vào mặt... Tại xà lim, giữa đêm Đà Lạt lạnh giá, nhiệt độ xuống dưới 15oC, kẻ địch còn dội nước lạnh để hành hạ các tù nhân biệt giam. Các chiến sĩ nhỏ tuổi phải ngủ trên nền xi măng, san sẻ cho nhau từng hạt cơm, ngụm nước, chỗ nằm… Chỉ có phẩm chất và lý tưởng cách mạng, ý chí kiên cường và niềm tin cháy bỏng vào tương lai tươi sáng mới giúp các chiến sĩ có sức chịu đựng mạnh mẽ, vượt qua đói rét, đòn roi của kẻ thù.
Chi đoàn tham quan và nghe thuyết trình về hình phạt phơi sương, phơi nắng tù nhân
Chi đoàn nghe thuyết trình về các hình thức tra tấn tại Nhà lao
Chiến tranh đã lùi xa, những cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt năm xưa nay nhiều người đã không còn. Hậu quả của chế độ lao tù khắc nghiệt, với những trận đòn tra tấn dã man, những cơ cực về thể xác, những căng thẳng về thần kinh đã lấy đi bao nhiêu nguồn nhựa sống của các cựu tù thiếu nhi. Thế nhưng, những con người đại diện cho một thế hệ trẻ ngày ấy vẫn luôn tâm niệm: “Chúng ta có một quá khứ đẹp, đáng tự hào, khi trong tay không một tấc sắt mà đã chiến thắng cả một đội quân hùng hậu, phá tan âm mưu thâm độc của kẻ thù… Nhưng muốn quá khứ ấy mãi đẹp, mãi có ý nghĩa với thời gian thì hôm nay, chúng ta, những người tù ngày ấy, phải sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội… làm sao để con cháu, để thế hệ sau mình tự hào và noi gương”.
Chi đoàn chụp hình lưu niệm tại tượng đài trong khuôn viên Nhà lao
Do đó, mỗi thế hệ trẻ trong chúng ta hôm nay phải ra sức rèn đức luyện tài để viết tiếp những trang sử vẻ vang đó, phát huy truyền thống vẻ vang trong 92 năm qua của Đoàn, giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy khát vọng dựng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thanh niên. Luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dương Thị Diễm – VKSND quận Bình Thạnh