Thứ Ba, 10/09/2024
Thực hiện Kế hoạch của Chi bộ 10 năm 2024; nhằm giáo dục cho các Đảng viên, quần chúng trong đơn vị hiểu thêm về lối sống, con người và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc, ngày 02/8/2024, Chi bộ 10 Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) đã tổ chức về nguồn kết hợp sinh hoạt Chuyên đề tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Trường Dục Thanh, tỉnh Bình Thuận.
Tham gia hoạt động về nguồn kết hợp sinh hoạt Chuyên đề có đồng chí Phan Ngọc Khanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng 10 VKSND Thành phố - dẫn đầu Đoàn cùng các đồng chí trong Chi ủy và toàn thể Đảng viên, quần chúng đang công tác tại Phòng 10 VKSND Thành phố.
Trường Dục Thanh tọa lạc tại trung tâm thành phố Phan Thiết, bên dòng sông Cà Ty, tỉnh Bình Thuận. Đây từng là điểm hội tụ của các sĩ phu yêu nước, những người mang tinh thần tiến bộ và đặc biệt ghi dấu sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 02/1911, trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng. Trong thời gian dạy học tại đây, ngoài việc truyền đạt kiến thức về chữ Quốc ngữ và Hán văn, Người còn khơi dậy lòng yêu nước thương dân nơi những người học trò và là tấm gương về nếp sống giản dị, chân thành của một thầy giáo trẻ nhiệt huyết, luôn hết lòng vì sự nghiệp trồng người.
Ngày 12/12/1986, Trường Dục Thanh đã được được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Trước khi tiến hành nghi thức dâng hương, dâng hoa, đại diện Chi bộ 10 VKSND Thành phố đã thông qua Chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn trước năm 1911, qua đó cho thấy nơi đây là một trong những địa điểm có ý nghĩa rất quan trọng hình thành nên tư tưởng lớn của Người sau này trên con đường cứu nước, cứu dân.
Với lòng biết ơn sâu sắc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chi bộ 10 VKSND Thành phố đã kính cẩn nghiêng mình dâng hương tưởng niệm vị Cha già dân tộc, người Anh hùng cách mạng, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Kết thúc nghi thức dâng hương, các thành viên Đoàn tiến về khu vực phòng học để nghe thuyết minh chi tiết về lịch sử Trường Dục Thanh và đời sống của các giáo viên, học sinh tại đây, đặc biệt là những câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Với phương pháp dạy học tiến bộ, dạy chữ để dạy người, giáo dục toàn diện, tôn trọng nhân cách học trò, Người đã dần đặt nền móng cho tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh sau này nhằm phục vụ các mục tiêu của cách mạng: giành độc lập, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Sau khi nghe thuyết minh, Chi bộ 10 VKSND Thành phố tham quan khuôn viên Trường và phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật tại Khu di tích.
Tại đây, những hiện vật mà trước đây gắn liền với công việc, sinh hoạt hàng ngày của Bác vẫn còn nguyên vẹn: từ chiếc bảng đen Bác dùng để dạy học, đến cây khế do vợ cụ Nguyễn Thông trồng cách đây đã hơn một thế kỷ được thầy Thành chăm sóc khi sống tại nơi này và giếng nước đơn sơ được xây bằng gạch - nơi Bác dùng sinh hoạt và tưới cây trong vườn; cây khế đến nay vẫn xum xuê, ra hoa kết quả quanh năm, người dân Phan Thiết vẫn thân thương gọi là “Cây khế Bác Hồ”.
Vào tham quan Trường Dục Thanh, được ngắm nhìn vườn cây mà Bác Hồ cùng những người học trò đã từng tự tay chăm bón hằng ngày đến nay vẫn còn xanh tốt, các Đảng viên, quần chúng Chi bộ 10 VKSND Thành phố càng thêm yêu quý nếp sống giản dị và tinh thần chăm chỉ lao động của người thanh niên ái Quốc Nguyễn Tất Thành.
Chương trình về nguồn kết hợp sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Trường Dục Thanh không chỉ mang ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng viên, quần chúng Phòng 10 mà còn là dịp để tập thể đơn vị ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của thế hệ cha ông; góp phần giáo dục chính trị, gìn giữ truyền thống yêu nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho các Đảng viên, công chức. Chi bộ 10 VKSND Thành phố xin hứa ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát Thành phố nói riêng và ngành Kiểm sát nhân dân nói dung ngày càng phát triển, xứng đáng với 10 chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”./.
Đặng Quỳnh Anh - Phòng 10