Thứ Ba, 10/09/2024
Bà V, ông C là vợ chồng kết hôn hợp pháp, trong quá trình chung sống ông bà không có con chung. Vào năm 2009, khi bà V đang ở nước ngoài, ông C thông báo cho bà V có trẻ B bị bỏ rơi và mong muốn mang về nuôi dưỡng nhưng bà V không đồng ý.
Sau đó, bà V biết ông C đã giao trẻ B cho bà S chăm sóc, hằng tháng ông C đưa tiền để nuôi trẻ và tiền công chăm sóc cho bà S, nhưng bà V không phản đối về việc này. Quá trình nuôi dưỡng, ông C là người đứng ra làm khai sinh cũng như những giấy tờ liên quan đến việc nhận nuôi con nuôi. Khi làm xong, ông C có đưa Giấy khai sinh của trẻ B cho bà V xem và bà V cũng không có ý kiến gì. Sau khi, ông C chết bà V cho rằng không có sự đồng ý của bà mà ông C đã nhận trẻ B làm con nuôi và bà V không thừa nhận trẻ B là con nuôi. Bên cạnh đó, bà V phát hiện ngoài Giấy khai sinh mà ông C đưa bà xem còn có Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của UBND phường A, Quận E công nhận ông C là cha nuôi, bà V là mẹ nuôi của trẻ B, bà V xác định chưa làm hồ sơ, thủ tục xin nhận con nuôi đối với trẻ B tại UBND phường A, Quận E nên việc UBND công nhận bà V là mẹ nuôi của trẻ B là trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền tài sản của bà V. Nay bà V yêu cầu Tòa án hủy Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của UBND phường A, Quận E và xóa bỏ việc ghi tên cha, mẹ nuôi trên Giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh đối với trẻ B.
Giải quyết yêu cầu của bà V, Tòa án căn cứ Kết luận giám định chữ ký, chữ viết của bà V tại các giấy tờ làm thủ tục nhận nuôi con nuôi với kết luận “Không do cùng một người viết ra” và căn cứ khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Theo đó, Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà V.
Theo tác giả, việc Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà V là chưa hợp tình hợp lý. Vì:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình” và Điều 44 Bộ luật dân sự quy định: “Mỗi cá nhân có quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi được pháp luật bảo hộ và công nhận. Nay ông C đã chết, bà V phải tôn trọng ý chí của ông C thể hiện bằng việc ông nhận trẻ B làm con nuôi. Đây không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là đạo lý giữa vợ chồng nhưng Tòa án chưa xem xét đến.
Thứ hai, quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em…” và tại khoản 2 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị tàn tật làm con nuôi”. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của luật này” mà theo Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con…chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”. Trường hợp trẻ B là trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, không xác định được gia đình cũng như cha mẹ đẻ mình là ai, sau khi được gia đình ông C nhận là con nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ như con ruột, tạo mọi điều kiện tốt đẹp để trẻ phát triển toàn diện. Nay, Tòa án tuyên hủy toàn bộ Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đồng nghĩa với việc chưa xem xét đến tương lai cũng như môi trường phát triển của trẻ B đi ngược lại với tinh thần bảo vệ trẻ em bị bỏ rơi của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như đạo lý giữa người với người, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi mà còn một lần nữa đẩy trẻ B rơi vào tình trạng không gia đình, không người chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như chưa đặt lợi ích và tương lai của trẻ B lên hàng đầu thể hiện tính nhân văn mà người Việt vốn có.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc ủy quyền phải được lập thành văn bản”. Tuy nhiên, nay bà V yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định công nhận nuôi con nuôi mà không được sự đồng ý, cũng không được ủy quyền từ ông C nhưng Tòa án chấp nhận yêu cầu của bà V tuyên hủy tòan bộ Quyết định công nhận nuôi con nuôi là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là một số ý kiến của tác giả đối với phán quyết của Tòa án về việc yêu cầu hủy quyết định hành chính về quản lý hộ tịch trong trường hợp công nhận việc nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh đã giải quyết trong thời gian qua. Mong nhận được ý kiến trao đổi từ phía các bạn đồng nghiệp.
Trương Thị Hồng Hoa - Phòng 10