Thứ Tư, 09/10/2024

Bàn về xác định việc thi hành các quyết định dân sự trong vụ án hình sự làm cơ sở để xem xét xóa án tích

09/07/2023 - 15:23 | Nghiên cứu, trao đổi

KIEMSAT.VN - Qua phân tích các tình huống pháp lý, tác giả nêu các quan điểm khác nhau về vấn đề xác định bị can chưa thi hành phần quyết định dân sự trong bản án trước đó, khi người được thi hành án không có đơn yêu cầu và đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích hay không?

Xóa án tích là một chế định quan trọng, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam nói chung và của Bộ luật Hình sự (BLHS) nói riêng với mục đích khuyến khích người bị kết án chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sau khi chấp hành xong bản án để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, trở thành công dân tốt và không thực hiện hành vi phạm tội mới. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội đã từng bị kết án, việc xác định án tích của người này đã được xóa hay chưa có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể, nếu một người đang trong thời gian mang án tích mà tiếp tục phạm tội thì trên cơ sở yếu tố lỗi và loại tội phạm được thực hiện sẽ bị xem xét áp dụng tình tiết tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm như một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đối với một số tội danh trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội cướp tài sản (Điều 168), Tội trộm cắp tài sản (Điều 173)... thì tái phạm nguy hiểm được xác định là một tình tiết tăng nặng định khung.

Việc xác định án tích của một người còn là cơ sở để định tội danh đối với một số tội, chẳng hạn như Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 172), Tội trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 173), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 174), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (khoản 1 Điều 192), Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 201)... Vì ý nghĩa quan trọng đó, BLHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ về xóa án tích khi đáp ứng các điều kiện cụ thể tại các điều 69, 70, 71. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về đương nhiên xóa án tích phát sinh một số vướng mắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị kết án.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 quy định: “... 2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây...”. Theo đó, một trong những điều kiện để đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án, bao gồm cả quyết định buộc người bị kết án bồi thường dân sự cho bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vấn đề đặt ra là: Phần dân sự trong vụ án hình sự tại bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được người bị kết án thi hành do người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành (không vì trở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng), đồng thời đã quá thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật thi hành án dân sự năm 2008) nên cơ quan Thi hành án dân sự chưa thụ lý giải quyết thì xử lý như thế nào? Vấn đề này được thể hiện cụ thể qua các tình huống sau:

Tình huống 1: Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 24/3/2020, Công an quận L, thành phố Đ bắt quả tang Bùi Ngọc Hoàng V đang tàng trữ 0,235 gam Methamphetamine tại phòng trọ. Trước đây, tại Bản án số 11/HSST ngày 11/4/2003, bị cáo Bùi Ngọc Hoàng V đã bị Tòa án nhân dân (TAND) huyện S, thành phố Đ tuyên phạt 15 tháng tù về Tội cố ý gây thương tích và buộc phải bồi thường cho bị hại số tiền 1.773.000 đồng. Thời điểm phạm tội mới, bị cáo V đã nộp tiền án phí nhưng chưa bồi thường cho bị hại với lý do bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án; nên Bản án hình sự số 49/2020/HSST của TAND quận L nhận định bị cáo V chưa được xóa án tích, áp dụng điểm c khoản 1 Điều 249; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; áp dụng tình tiết “tái phạm” tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 tuyên phạt bị cáo Bùi Ngọc Hoàng V 24 tháng tù giam về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Bản án hình sự số 49/2020/HSST đã bị kháng nghị phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Bản án hình sự phúc thẩm số 169/2020/HSPT ngày 23/11/2020 của TAND thành phố Đ tiếp tục cho rằng, đối với nghĩa vụ bồi thường số tiền 1.773.000 đồng cho bị hại theo quyết định tại Bản án hình sự số 49/2020/HSST, mặc dù bị hại không có đơn yêu cầu nhưng bị cáo V vẫn phải thực hiện nghĩa vụ; phù hợp với tinh thần nội dung hướng dẫn tại Mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TAND tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính (Công văn số 64/2019). Chính vì vậy, TAND thành phố Đ nhận định bị cáo V tại thời điểm phạm tội mới chưa thi hành các quyết định khác trong bản án, nên không thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 BLHS năm 2015 và tuyên không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tình huống 2: Bị can Ngô Văn T bị khởi tố về Tội trộm cắp tài sản, xét nhân thân của bị can nhận thấy phần quyết định bồi thường dân sự của bản án trước chưa được thi hành. Bản án trước đã áp dụng tình tiết “tái phạm” đối với bị can nên Viện kiểm sát đã quyết định truy tố bị can về Tội trộm cắp tài sản theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định phần dân sự chưa được thi hành do người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành nên cơ quan Thi hành án dân sự không thụ lý giải quyết; đến thời điểm phạm tội mới đã quá thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, nên bị cáo T đương nhiên được xóa án tích, không tính tái phạm nguy hiểm. Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Quá trình xem xét nội dung vụ án thì Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định việc xét xử khác khoản trong cùng một điều luật của Tòa án là đúng và ra thông báo rút kinh nghiệm về vụ việc trên.

Từ hai tình huống trên có thể nhận thấy, về vấn đề xác định bị can chưa thi hành phần quyết định dân sự trong bản án trước, người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành và đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích hay không, hiện có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mà phát sinh tình huống này thì cần xác định bị can chưa được xóa án tích. Theo đó, phần quyết định dân sự được tuyên tại bản án hình sự là một phần của bản án hình sự có hiệu lực pháp luật và việc thi hành là một trong những điều kiện bắt buộc được quy định tại Điều 70 BLHS năm 2015 để người bị kết án đương nhiên được xóa án tích. Khi bản án được tuyên thì người bị kết án đã được Hội đồng xét xử giải thích về việc chấp hành bản án bao gồm các quyết định dân sự trong bản án, đồng thời cũng được nhận bản án, kể cả khi xét xử vắng mặt, nên hoàn toàn biết được những nội dung của bản án mà mình có nghĩa vụ thi hành. Việc tự nguyện thi hành án của người bị kết án thể hiện sự tôn trọng pháp luật, thái độ hối cải về hành vi phạm tội của mình và là một căn cứ để xem xét việc người bị kết án có xứng đáng được xóa án tích hay không.

Bên cạnh đó, phần quyết định dân sự trong bản án hình sự được thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự, mà pháp luật thi hành án dân sự hiện hành quy định nhiều phương thức thi hành để người bị kết án có thể lựa chọn thực hiện như: Tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay. Do đó, kể cả trong trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án thì người bị kết án vẫn có nghĩa vụ tự nguyện thi hành toàn bộ phần quyết định này thì mới đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Cách hiểu này cũng phù hợp với hướng dẫn tại Mục 7 Công văn số 64/2019. Việc người được thi hành án không có đơn yêu cầu và đã quá thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 phải được hiểu là họ chỉ mất quyền yêu cầu Nhà nước sử dụng các biện pháp cưỡng chế buộc người bị kết án phải thi hành phần dân sự, nhưng quyền được thi hành án của họ vẫn cần được đảm bảo và người bị kết án phải thi hành nếu muốn được xóa án tích.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Đối với trường hợp trên, cần xác định bị can đã được xóa án tích của bản án trước. Điều 70 BLHS năm 2015 quy định về đương nhiên xóa án tích, cơ sở của việc xóa án tích ngoài việc người bị kết án chấp hành xong các hình phạt chính thì có thể đương nhiên được xóa án tích trong trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án (bao gồm cả phần quyết định dân sự trong bản án hình sự). Phần quyết định dân sự trong bản án hình sự về bản chất là vấn đề dân sự và được thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật thi hành án dân sự. Việc đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, nhưng người được thi hành án vẫn không nộp đơn yêu cầu thi hành, nên cơ quan Thi hành án dân sự không thụ lý và ra quyết định thi hành đã thể hiện ý chí của người được thi hành án là không có nhu cầu đòi hỏi người bị kết án phải thi hành phần quyết định dân sự. Ý chí này xuất phát từ sự tự nguyện của bị hại, nếu xem xét nội dung đó là phần quyết định khác của bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành để làm căn cứ xác định án tích cho người bị kết án là không tôn trọng ý chí của các đương sự và vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong giao lưu dân sự, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án. Trên thực tế, sau khi tuyên án thì Hội đồng xét xử sẽ giải thích quyền yêu cầu thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành cho những người có liên quan được biết. Lúc này, vì một số lý do khách quan nào đó hoặc xuất phát từ mục đích nhân đạo mà người được thi hành án không đòi hỏi hoặc thậm chí là không muốn nhận sự bồi thường, đền bù hay việc thực hiện nghĩa vụ khác từ người bị kết án.

Trong một số trường hợp, sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án đi khỏi địa phương hoặc xuất cảnh và cũng không có đơn yêu cầu thi hành án đến khi hết thời hiệu yêu cầu. Nếu tiếp tục xác định đây là phần quyết định khác của bản án chưa được thi hành nên người bị kết án chưa đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Nếu người bị kết án có mong muốn, thiện chí tự nguyện thi hành án thì cũng không thể thực hiện được, vì người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành và cũng đã mất quyền yêu cầu nên cơ quan Thi hành án dân sự không thụ lý giải quyết; đồng thời, người bị kết án cũng không có khả năng tìm đến người được thi hành án để tự nguyện thi hành. Điều này dẫn đến trường hợp người bị kết án sẽ không bao giờ đủ điều kiện để đương nhiên được xóa án tích, đặc biệt là đối với các trường hợp án tích là tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, việc xác định một người đã được xóa án tích hay chưa là một trong những vấn đề cần chứng minh theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 và thuộc về yếu tố nhân thân liên quan đến tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc buộc tội, nên trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp không thể xác định được phần quyết định dân sự của bản án hình sự đã có hiệu lực chưa được thi hành khi đã hết thời hiệu thi hành án mà người được thi hành án không có đơn yêu cầu vì lý do hoặc trở ngại khách quan hay không thì cần xử lý theo hướng có lợi cho bị can. Theo đó, phải xác định người được thi hành án không mong muốn được thi hành phần này và người bị kết án coi như đã chấp hành xong nội dung này của bản án.

Việc nhận thức và áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về căn cứ để xác định án tích cho người bị kết án không thực hiện phần quyết định của bản án trong các vụ án trên có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị kết án và trong việc đảm bảo truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi và nhân thân người phạm tội; tránh xảy ra oan, sai trong trường hợp án tích là tình tiết định tội hoặc định khung. Trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp cần thống nhất ban hành quy định, hướng dẫn đối với việc xác định án tích trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu nhưng người được thi hành án thể hiện ý chí không mong muốn hoặc không có yêu cầu thi hành và đã hết thời hiệu yêu cầu theo hướng tôn trọng sự tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận giữa các bên.

Đỗ Văn Tiến

Tin mới