Thứ Hai, 09/12/2024
Thuật ngữ “đình chỉ” có nghĩa là chấm dứt, không tiếp tục một công việc nhất định. Trong thi hành án dân sự, khái niệm “đình chỉ thi hành án” được hiểu là việc cơ quan Thi hành án dân sự mà cụ thể là Thủ trưởng cơ quan bằng một quyết định cụ thể làm chấm dứt một quan hệ thi hành án cụ thể hay nói cách khác là chấm dứt vai trò của Chấp hành viên đối với việc thi hành án đó khi có một trong các căn cứ do pháp luật quy định.
Cần lưu ý, trong một số trường hợp, việc đình chỉ thi hành án chỉ làm chấm dứt một quan hệ pháp luật thi hành án mà không làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được ấn định trong Bản án, quyết định.
Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã quy định: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp: “Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền và lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Tuy nhiên, việc đình chỉ trong trường hợp thi hành bản án, quyết định cấp dưỡng nuôi con còn có nhiều ý kiến khác nhau do cần phải xác định việc đình chỉ có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba hay không, ví dụ như tình huống thực tế sau:
Tại Quyết định số 523/2015/QĐST-HNGĐ ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y có nội dung như sau: Bà Phạm Thị Thảo là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ Nguyễn Phúc Tâm đến đủ 18 tuổi, ông Nguyễn Phúc Hải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung 3.000.000 đồng/tháng. Việc cấp dưỡng được thi hành án vào ngày 20 hàng tháng, bắt đầu từ ngày 20/10/2015.
Ngày 26/11/2015, bà Thảo có đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện X về khoản anh Hải phải cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Ngày 01/12/2015, Chi cục Thi hành án dân sự huyện X ra quyết định thi hành án theo nội dung yêu cầu của chị Thảo và giao cho Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên chưa xác minh được nơi cư trú của anh Hải, ngày 28/5/2018 chị Thảo đã có đơn đề nghị Cơ quan THADS không tiếp tục thi hành án khoản cấp dưỡng nuôi con. Theo đơn, chị Thảo cho biết các bên đã tự thỏa thuận với nhau về việc cấp dưỡng nuôi con.
Có 3 ý kiến về việc giải quyết yêu cầu không tiếp tục việc thi hành án đối với khoản cấp dưỡng nuôi con của chị Thảo:
Ý kiến thứ nhất: Do chị Thảo có đơn đề nghị đình chỉ, không tiếp tục thi hành án, nên Cơ quan thi hành án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, ra quyết đình chỉ thi hành án toàn bộ nghĩa vụ cấp dưỡng nói trên đối với anh Hải, tức là đình chỉ quyết định thi hành án và chị Thảo không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại.
Ý kiến thứ hai: Cơ quan thi hành án không thể ra quyết định đình chỉ thi hành án được vì việc đình chỉ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người thứ ba là con chung của anh Hải, chị Thảo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Do vậy, trường hợp này Cơ quan thi hành án phải căn cứ điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi đối với toàn bộ các khoản phải thi hành theo quyết định thi hành án và sau này chị Thảo được quyền yêu cầu thi hành án trở lại nếu còn thời hiệu thi hành án.
Ý kiến thứ ba: Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án về nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn nhưng chưa thi hành được (từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2018) vì anh Hải chưa thi hành được khoản cấp dưỡng nào. Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng từ tháng 6/2018 đến khi cháu Tâm đủ 18 tuổi thì Cơ quan thi hành án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS để thu hồi quyết định thi hành án đối với nghĩa vụ cấp dưỡng của anh Hải từ tháng 6/2018 đến khi cháu Tâm đủ 18 tuổi và chị Thảo có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự đối với nghĩa vụ cấp dưỡng đã ra quyết định thu hồi nếu còn thời hiệu.
Nhận xét: Trong tình huống trên chúng ta phải xác định khoản cấp dưỡng nuôi cháu Tâm thuộc trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự. Trong bản án này người được thi hành án là chị Phạm Thị Thảo, người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Phúc Tâm. Nhưng do đặc thù trong bản án, quyết định về hôn nhân gia đình ở chỗ người được hưởng quyền lợi theo bản án, quyết định này là chị Thảo và cháu Tâm, nhưng do cháu Tâm chưa đủ năng lực hành vi dân sự nên quyền được hưởng đó sẽ được thông qua người trực tiếp nuôi dưỡng cháu đó là chị Thảo và chị Thảo có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án hoặc không làm đơn yêu cầu anh Hải trả chị tiền cấp dưỡng nuôi cháu Tâm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS, Cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và giao Chấp hành viên tổ chức thi hành án khi chị Thảo có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ. Trường hợp chị Thảo không làm đơn yêu cầu thi hành án thì khoản cấp dưỡng này không được tổ chức thi hành. Vì vậy việc chị Thảo làm đơn yêu cầu đình chỉ thi hành án khoản cấp dưỡng nuôi cháu Tâm không thể coi là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp người thứ ba (cháu Nguyễn Phúc Tâm). Như vậy, việc đình chỉ thi hành án khoản cấp dưỡng đã đến hạn theo đơn yêu cầu của chị Thảo là phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự và phù hợp với tình hình thực tiễn đó là chị Thảo và anh Hải tự thỏa thuận được với nhau.
Khoản cấp dưỡng nuôi con là loại việc thi hành án theo định kỳ. Theo bản án trên, mỗi kỳ là 01 tháng. Như vậy, theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án “Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn” theo đó mỗi tháng cấp dưỡng sẽ có thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ tháng đó. Chẳng hạn, trong bản án, quyết định trên khoản cấp dưỡng nuôi cháu Tâm của tháng 10/2015, chị Thảo có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án trong thời hạn 05 năm kể từ tháng 10/2015. Như vậy theo nguyên tắc này mỗi tháng chị Thảo phải làm đơn yêu cầu thi hành án một lần để Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Nhưng trên thực tế các Cơ quan thi hành án dân sự khi có đơn yêu cầu khoản cấp dưỡng thường ra chung một quyết định với nội dung trong phần quyết định như sau “Ông Nguyễn Phúc Hải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung 3.000.000 đồng/tháng.” và Chấp hành viên sẽ tổ chức thi hành án cho đến khi cháu Tâm đủ 18 tuổi mới kết thúc trừ trường hợp các đương sự thỏa thuận thi hành án một lần tổng số tiền cấp dưỡng đó. Chính vì vậy, khi có đơn yêu cầu đình chỉ thi hành án có quan điểm cho rằng phải đình chỉ toàn bộ khoản cấp dưỡng thi hành án theo định kỳ và chị Thảo không có quyền yêu cầu thi hành án lại.
Tác giả cho rằng việc đình chỉ theo đơn yêu cầu không tiếp tục thi hành án của chị Thảo là đúng nhưng chỉ đình chỉ những nghĩa vụ chưa thi hành án được đến thời điểm có đơn yêu cầu không tiếp tục thi hành án nữa, vì thực tế thi hành án cấp dưỡng là thi hành án theo định kỳ thì Cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo hàng tháng và chỉ tổ chức thi hành với số tiền đã đến hạn của hàng tháng nếu không có thỏa thuận khác. Vì vậy, việc ra quyết định đình chỉ các khoản đã đến hạn (đình chỉ 1 phần) mới đúng theo quy định của pháp luật, Cơ quan thi hành án không thể ra quyết định đình chỉ đối với những khoản chưa đến hạn thanh toán như quan điểm thứ nhất, mà phải vận dụng linh hoạt điểm c khoản 1 Điều 37 để ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án đối với các khoản nghĩa vụ chưa đến hạn để kết thúc hồ sơ và chị Thảo được quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với các khoản này nếu còn thời hiệu. Như vậy để xử lý yêu cầu của chị Thảo, Cơ quan thi hành án phải ra 02 quyết định đình chỉ thi hành án và thu hồi quyết định thi hành án để kết thúc việc thi hành án. Như vậy, quan điểm của tác giả không đồng ý với quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai mà đồng ý với ý kiến thứ ba. Với phân tích lập luận như trên tác giả cho rằng quan điểm thứ ba là quan điểm phù hợp với các quy định chung của pháp luật về thi hành án dân sự trong khi hiện nay Luật chưa có hướng dẫn rõ ràng về những trường hợp cụ thể này.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các bạn đồng nghiệp, các bạn công tác trong ngành luật và các đọc giả quan tâm đến pháp luật.
Trần Thị Phương Dung - VKSND quận Phú Nhuận