Thứ Sáu, 13/12/2024

Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

07/11/2023 - 08:10 | Nghiên cứu, trao đổi

KIEMSAT.VN -  Qua nghiên cứu việc vận dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp của pháp luật các nước Philippines, Anh; tác giả chỉ ra một số bất cập trong thực tiễn áp dụng lẽ công bằng ở Việt Nam và nêu ra một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật dân sự.

Lẽ công bằng là quy định mới trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc: “Tòa án không được quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”1. Tuy nhiên, việc vận dụng lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử hiện nay ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ và khá ít vụ việc. Trong khi đó, ở nhiều nước, việc vận dụng lẽ công bằng đã được thực hiện từ rất sớm. Song song với nguồn luật thành văn, lẽ công bằng cũng tồn tại như quy định không thể thiếu và áp dụng dựa trên những tiêu chí cũng như nguyên tắc nhất định, không tùy tiện.

1. Vận dụng lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử của Tòa án nước ngoài

1.1. Pháp luật Philippines

Theo BLDS Philippines năm 1949 thì việc áp dụng nguyên tắc công bằng phải đảm bảo nguyên tắc: “Không Thẩm phán hoặc Tòa án nào được từ chối đưa ra phán quyết vì lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ2. “Khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, mọi người phải thực hiện công bằng, đảm bảo lợi ích chính đáng của người khác và phải tuân thủ sự trung thực và thiện chí”3. Như vậy, lẽ công bằng sẽ được áp dụng trong trường hợp luật không quy định.

Vụ việc cụ thể: Người bán Reyes đã thỏa thuận bán đất cho người mua, bên mua đã thanh toán trước cho bên bán một khoản tiền nhưng sau đó, bên bán đã bán lại cho người khác và chuyển hoàn tất thủ tục đăng ký cho người mua sau. Tuy nhiên, sau đó người bán kiện người mua đã không thanh toán đầy đủ tiền theo thời hạn thỏa thuận, hủy bỏ hợp đồng với người mua và yêu cầu phạt vi phạm; còn người mua phản tố vì cho rằng người bán đã bán đất cho người khác, người mua muốn hủy hợp đồng và yêu cầu người bán phải hoàn trả lại khoản tiền mình đã trả trước tại thời điểm xét xử. Reyes thừa nhận đã nhận được khoản thanh toán trước 10 triệu Peso4 nhưng phản đối gửi lại số tiền đó. Reyes cho rằng trước khi phán quyết hủy bỏ hợp đồng mua bán, anh ta có quyền sử dụng, sở hữu và hưởng số tiền này5. Thời điểm này, khoản tiền này không được quy định là một trong số các biện pháp khắc phục tạm thời được liệt kê trong Quy tắc tố tụng dân sự năm 1997 của Philippines. Tuy nhiên, để đảm bảo cân bằng lợi ích, Tòa án đã viện dẫn quy định về lẽ công bằng tại Điều 9 BLDS Philippines năm 1949.

Theo Tòa án, việc bên bán đã bán tài sản cho người khác nhưng vẫn không trả lại số tiền đã thanh toán cho người mua là vi phạm hợp đồng và được lợi mà không có căn cứ pháp luật và không thiện chí. Việc áp dụng quyền của chủ sở hữu luôn liên quan đến việc cân bằng lợi ích trong một trường hợp cụ thể, một vấn đề được giải quyết theo quyết định hợp lý của Tòa án. Theo đó, Tòa án có thể vận dụng lẽ công bằng yêu cầu bên bán phải hoàn lại khoản tiền đã nhận tại Tòa án, nhằm đảm bảo công bằng trong trường hợp này là để ngăn chặn sự được lợi không có căn cứ pháp luật và đảm bảo bồi thường.

Như vậy, qua vụ việc này cho thấy việc “người bán phải hoàn trả số tiền người mua đã thanh toán” tại thời điểm xét xử và gửi tại Tòa án” là không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục khẩn cấp tạm thời được quy định bởi pháp luật tố tụng dân sự Philippines. Tuy nhiên, Tòa án vẫn ra phán quyết yêu cầu bên bán phải thực hiện. Việc áp dụng lẽ công bằng của vụ việc này được Tòa án lý giải theo những cơ sở: Thứ nhất, luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ đối với trường hợp thực tế và theo đó, Tòa án vận dụng đúng nguyên tắc lẽ công bằng chỉ được áp dụng trong trường hợp do có sự khiếm khuyết của luật và không có cơ sở luật điều chỉnh cho vụ việc, và nếu áp dụng lẽ công bằng sẽ đảm bảo yếu tố công lý cho vụ việc. Thứ hai, Tòa án viện dẫn những quy định khác có liên quan đến vụ việc như trường hợp “được lợi mà không có căn cứ pháp luật”6 trong pháp luật nội dung và hành vi này có thể xem là vi phạm quyền sở hữu của chủ thể khác. Thứ ba, Tòa án viện dẫn nguyên tắc “được lợi mà không có căn cứ pháp luật” trong pháp luật nội dung để xác định việc người bán tiếp tục giữ số tiền này là “làm giàu bất chính” trên tài sản của người mua và đây là hành vi trái đạo đức, không tuân thủ sự trung thực và thiện chí7.

Tòa án viện dẫn lẽ công bằng thông qua những cơ sở và lập luận khá chắc chắn. Điều này cho thấy, Tòa án không tùy tiện trong việc áp dụng lẽ công bằng mà có sự cân nhắc, thận trọng, kết hợp quy định về lẽ công bằng với những nguyên tắc, quy tắc ứng xử khác của luật nhằm đảm bảo phán quyết đưa ra có sự thuyết phục và phù hợp với công lý.

1.2. Pháp luật Anh

Theo pháp luật Anh, Luật công bằng có nguồn gốc từ thông luật cũ của Anh, khi các Tòa án sử dụng quyền tự quyết của mình để áp dụng công lý theo luật tự nhiên. Luật công bằng thay thế luật thông thường (Statute Law) và thông luật (Common law) khi có mâu thuẫn giữa hai bên và không bên nào có thể đưa ra phán quyết chính xác một cách thích hợp. Trong luật pháp Anh, “công bằng” đề cập đến tập hợp các nguyên tắc pháp lý, học thuyết và biện pháp bổ sung cho các quy tắc nghiêm ngặt của pháp luật.

Công bằng dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và công lý và được sử dụng để giải quyết tranh chấp và sửa chữa những bất công pháp lý. Theo đó, tư pháp không hợp nhất công bằng và thông luật, trong hoạt động tư pháp ở Anh vẫn tồn tại song song các quy tắc của hệ thống công bằng và các quy tắc từ hệ thống thông luật. Ở Anh có Tòa án công bằng và Tòa án theo thông luật. “Các Tòa án công bằng được thành lập để xét xử và giải quyết các tranh chấp mà Tòa án thông luật không thể chấp nhận theo yêu cầu của Lord Chancellor8 hoặc của Nhà vua”9.

Qua nhiều thế kỷ, nền tư pháp đã phát triển và lẽ công bằng được diễn đạt dưới dạng châm ngôn. Các châm ngôn về sự công bằng đã phát triển, bằng tiếng Latinh và cuối cùng được dịch sang tiếng Anh, như những nguyên tắc được các Tòa án về sự công bằng áp dụng trong việc xét xử các vụ án và lẽ công bằng có thể được ưu tiên xét xử nếu có mâu thuẫn. Về nguyên tắc, ở Anh việc áp dụng lẽ công bằng không được trái với quy định của thông luật.

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, theo quy định tại Điều 49 của Luật Tòa án cấp cao năm 1981 Vương Quốc Anh thì: “Tòa án thực thi quyền tài phán ở Anh hoặc xứ Wales trong bất kỳ nguyên nhân hoặc vấn đề dân sự nào sẽ tiếp tục thực thi luật pháp và sự công bằng trên cơ sở rằng, nơi nào có xung đột hoặc khác biệt giữa các quy tắc về sự công bằng và các quy tắc của thông luật có liên quan đến cùng một vấn đề, thì các quy tắc công bằng sẽ được áp dụng”10. Tuy nhiên, việc vận dụng lẽ công bằng của Tòa án công bằng không phải máy móc hoặc linh hoạt, mà dựa trên những cơ sở, nền tảng nhất định, đó có thể là những quy tắc “đã được định hình để giải quyết hoặc Thẩm phán có thể tạo ra quy tắc mới bằng cách dựa vào những giá trị mà trước đây được cho là nguồn “nguyên liệu” để Tòa án Equity xây dựng các giải pháp của mình”11. Tác giả viện dẫn học thuyết, những quy tắc mà Tòa án công bằng ở Anh áp dụng trong giải quyết những tranh chấp điển hình.

Học thuyết Estopel: Tòa án Anh thường vận dụng học thuyết promissory estoppel là học thuyết cho phép bảo vệ quyền lợi của một người do tin tưởng vào lời hứa của một người khác mà hành động mà không có sự đảm bảo bởi luật. Trong luật pháp Anh, một lời hứa được đưa ra mà không được cân nhắc thường không có hiệu lực thi hành và được gọi là một lời hứa vô cớ (tức là lời hứa không có cơ sở). Học thuyết này được áp dụng dựa vào các yếu tố như: Có mối quan hệ pháp lý giữa các bên, có thiệt hại xảy ra cho một bên do vi phạm lời hứa, tồn tại bất bình đẳng do vi phạm lời hứa.

Theo pháp luật Anh, một lời hứa được ra đưa ra không có yếu tố ràng buộc, tức là thỏa thuận chưa được ràng buộc bởi luật hợp đồng. Tuy nhiên, nếu lời hứa đã được chấp nhận bởi bên kia (bên thực hiện nghĩa vụ) thì lời hứa có giá trị ràng buộc và có thể phải thi hành theo quyết định của Tòa án. Lý thuyết này được sử dụng trong luật hợp đồng có ý nghĩa kích hoạt nghĩa vụ pháp lý cho những trường hợp hợp đồng chưa có hiệu lực thi hành, hoặc đã có quan hệ hợp đồng nhưng chưa thể hiện quyền và nghĩa vụ một cách minh thị, rõ ràng. Promissory estoppel có thể được hiểu là cách thức đảm bảo cho lời hứa được ràng buộc để thực thi ngay cả khi hợp đồng chưa có hiệu lực.

Ngoài ra, có một số quy tắc (diễn giải dưới dạng câu châm ngôn) về lẽ công bằng được các Tòa án ở Anh áp dụng như sau: “Công bằng được xem như điều nên làm. Công bằng sẽ không bị sai sót nếu có biện pháp khắc phục. Bình đẳng chính là công bằng. Người muốn công bằng thì phải hành động công bằng. Công bằng hỗ trợ những người biết phòng ngừa rủi ro, không phải những người ngủ quên trên quyền của họ. Công bằng bao hàm ý định thực hiện nghĩa vụ. Người đến công bằng phải đến với đôi bàn tay trong sạch…”12.

2. Thực tiễn áp dụng lẽ công bằng của Tòa án ở Việt Nam

Khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Nguyên tắc này cũng được đề cập theo hướng cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015 để hướng dẫn Tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng.

Theo quy định này, “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của BLDS, khoản 1 và khoản 2 Điều này… Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.

Bên cạnh đó, việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự còn đảm bảo thực hiện nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự: “Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng” (Khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015). Như vậy, ở Việt Nam, “lẽ công bằng chỉ được áp dụng trong trường hợp vụ việc không có quy định pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và án lệ áp dụng. Việc áp dụng lẽ công bằng trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các vụ việc dân sự được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân”13. 

Trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam, có những vụ việc Tòa án đã áp dụng quy định về lẽ công bằng.

Vụ việc thứ nhất: Nguồn gốc đất tranh chấp là của bà Đoàn Thị A, bà Nguyễn Thị T cho rằng bà A đã cho bà phần đất này từ năm 1997, gia đình bà T đã bồi đắp, cải tạo đất để sử dụng, nhưng con bà A là ông Đinh Hoàng M xây hàng rào trên khu đất là không đúng. Bà A thì cho rằng phần đất của bà quản lý sử dụng từ trước đến nay, phần đất tranh chấp không nằm trong phần bà đã tặng cho bà T. Nay bà T khởi kiện yêu cầu bà A phải trả cho bà phần đất tranh chấp theo đo vẽ thực tế và di dời toàn bộ tài sản trên đất. Tòa án cho rằng: Nguyên đơn và bị đơn đều không có chứng cứ pháp lý vững chắc cho yêu cầu của mình. Nhưng xét ở góc độ đạo lý và lẽ công bằng thấy rằng, việc bà T thừa nhận trong lúc khó khăn không có đất làm nhà ở, gia đình bà A đã cho bà một phần đất để cất nhà. Nay chỉ vì phần đất tranh chấp 35m2, bà T lại đòi bà A trả lại. Lẽ ra bà T phải biết ơn người đã giúp đỡ bà trong lúc khó khăn, nhưng lại khởi kiện để yêu cầu bà A trả lại đất cho bà. Yêu cầu của bà T là không phù hợp với lẽ phải, không đúng với đạo lý ở đời. Chính vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bà T và công nhận phần đất cho bà A14.

Vụ việc thứ hai: Nguyên đơn là chùa P khởi kiện cho rằng quyền sử dụng đất đang tranh chấp là đất của chùa cho bị đơn là bà T sử dụng trồng hoa màu, có đóng góp hương hỏa cho chùa, nay bị đơn chiếm luôn không trả. Chùa yêu cầu bị đơn trả lại đất để chùa sử dụng. Bị đơn bà T cho rằng đất có nguồn gốc do dân làng hiến cho chùa P, sau đó gia đình bà được Ủy ban nhân dân xã cấp đất sử dụng và đóng hoa lợi cho chùa, bà T đã sử dụng ổn định trên 30 năm không có ai tranh chấp nên yêu cầu công nhận đất cho bà T. Trích dẫn nhận định của Tòa án: Bà T quản lý, sử dụng đất liên tục, lâu dài từ năm 1983 đến nay đã trên 30 năm và nộp hoa lợi cho chùa đến năm 2017, khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án mới không nộp hoa lợi cho chùa. Theo lẽ công bằng, cần tính một phần công sức cho bà T với tỉ lệ 5% giá trị quyền sử dụng đất để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nên cần buộc chùa P có trách nhiệm thanh toán cho bà T một phần công sức nêu trên15.

Trong hai vụ việc nêu trên, Tòa án chỉ nêu việc áp dụng lẽ công bằng vì lý do như “không phù hợp với lẽ phải, không đúng với đạo lý ở đời’, hay “để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên”, “phù hợp với lẽ công bằng quy định tại khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015”. Tác giả cho rằng việc nêu cơ sở để áp dụng lẽ công bằng nêu trên còn máy móc, việc viện dẫn chỉ mang tính chất nguyên tắc và thiếu những lập luận về ứng xử để đảm bảo tính công bằng.

Theo đó, Tòa án nên bổ sung thêm nguyên tắc ứng xử khi vận dụng lẽ công bằng đối với từng vụ việc, chẳng hạn đối với vụ việc thứ nhất, việc bên được tặng cho là bà T khởi kiện đòi lại phần đất giáp ranh mà bà cho rằng bên tặng cho đã tặng cho mình, nhưng bà T không có chứng cứ đầy đủ về việc tặng cho. Tuy nhiên, có cơ sở xác định là bên tặng cho đã cho bên được tặng cho phần đất đang sử dụng, riêng 35m2 đất tranh chấp, bên tặng cho cho rằng không thuộc phần đất tặng cho, mà vốn là của bên tặng cho. Bên được tặng cho cũng không có chứng cứ rõ ràng về việc tặng cho này thì việc bên được tặng cho đòi phần đất tặng cho là “vô ơn” đối với người đã giúp đỡ mình.

Đồng thời, bên được tặng cho cũng đã vi phạm yếu tố thiện chí, không phù hợp với những “truyền thống tốt đẹp, giá trị đạo đức cao đẹp”16 trong quan hệ ứng xử của người Việt. Tương tự, trong bản án thứ hai, việc Tòa án vận dụng lẽ công bằng để yêu cầu chùa P phải có trách nhiệm thanh toán một phần công sức mà bà T đã bỏ ra tôn tạo, giữ gìn mảnh đất cho chùa, với tỉ lệ 5% giá trị quyền sử dụng đất nhằm cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên là phù hợp; tuy nhiên, Tòa án nên vận dụng thêm “nguyên tắc thiện chí” trong giao dịch cũng như nguyên tắc “việc chấm dứt quyền, nghĩa vụ không được xâm phạm quyền và lợi ích của người khác”.

Việc chấm dứt giao dịch phải trả lại đất sau 30 năm khai thác, sử dụng - là nguồn sống chính của bà T, bà cũng đã thực hiện đúng nghĩa vụ quản lý đất, nộp hoa lợi cho chùa, thì việc chấm dứt để trả lại đất mà không tính đến công sức bà đã bỏ ra để giữ gìn mảnh đất trong rất nhiều năm là ảnh hưởng đến lợi ích của bà, đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân tương ái. Trên cơ sở này, Tòa án nên viện dẫn lẽ công bằng để yêu cầu tính phần công sức cho bà T sẽ thuyết phục hơn.

3. Một số khuyến nghị

Về nguyên tắc, các quy phạm pháp luật dân sự được áp dụng điều chỉnh các quan hệ dân sự, không có sự phân biệt đối xử. Tuy nhiên, quan hệ dân sự vốn đa dạng, phong phú và việc vận dụng pháp luật điều chỉnh có thể không linh hoạt và không phù hợp đối với những trường hợp nhất định. Do đó, việc áp dụng luật có thể có những giới hạn bởi tính phổ quát và xác định của các quy phạm pháp luật. Trong những trường hợp như vậy, việc vận dụng lẽ công bằng là cần thiết, nhằm “lấp đầy khoảng trống của luật”. Tuy nhiên, nếu không xác định cụ thể, rõ ràng thì việc áp dụng lẽ công bằng có thể dẫn đến những tranh cãi hoặc những sai phạm trong phán quyết của Tòa án. Theo tác giả, việc vận dụng lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam hiện nay có một số bất cập, cụ thể:

Một là, ngoài quy định của BLDS, BLTTDS thì không có cơ sở khác cho việc áp dụng lẽ công bằng, và điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện. Đồng thời, BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 không quy định rõ về khái niệm cũng như những điều kiện để áp dụng lẽ công bằng đối với vụ việc dân sự, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình vận dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử.

Hai là, việc sử dụng quy tắc về lẽ công bằng thiếu nhất quán sẽ dẫn đến việc đưa ra phán quyết không chắn chắn hoặc nhầm lẫn.

Từ những bất cập trên, tác giả cho rằng, việc áp dụng lẽ công bằng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định như: (1) Khi không có luật điều chỉnh, luật quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ; (2) Cho phép Tòa án áp dụng tùy nghi, linh hoạt quy tắc xử sự phù hợp với vụ việc nhằm đảm bảo tính công lý của phán quyết; (3) Tòa án chỉ có thể áp dụng lẽ công bằng đối với vụ việc mà nếu không áp dụng thì sẽ trái đạo đức hoặc lương tâm của con người.

Đồng thời, cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn hoặc quy tắc để phân định việc sử dụng lẽ công bằng trong những trường hợp nhất định, điều này có nghĩa là việc áp dụng lẽ công bằng cần gắn liền với những quy tắc, để Tòa án có thể chủ động áp dụng trong những trường hợp có quy định cụ thể.

ThS. Lê Thị Diễm Phương (Tạp chí Kiểm sát số 14/2023)

Tin mới