Thứ Ba, 15/10/2024
(PLO)- Thực tiễn xét xử của tòa án cấp sơ thẩm cho thấy việc áp dụng Án lệ số 47 một cách máy móc khiến số người bị kết án giết người tăng đột biến, cấp phúc thẩm sau đó đã thay đổi tội danh.
Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HẢI HIẾU
Lẽ ra phải là cố ý gây thương tích
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Tấn Hoàng, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết trong thời gian kể từ khi Án lệ số 47 ban hành, áp dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi cả nước nói chung và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu xuất phát từ nhận thức pháp luật không thống nhất, có nhiều trường hợp nhận thức không đúng về nội dung và tinh thần của án lệ này. Điều này dẫn đến áp dụng máy móc vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội phạm bị kết án giết người gia tăng đột biến.
Thống kê của Phòng Hành chính - Tư pháp TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho thấy từ ngày 1-5-2022 đến 15-5-2023 có 63 vụ án do TAND các tỉnh, TP trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên (9/12 tỉnh, thành) xét xử kết tội bị cáo về tội giết người với tỉ lệ thương tích của nạn nhân dưới 20% do áp dụng Án lệ số 47 một cách máy móc. Trong khi đáng lẽ ra bị cáo chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Trong thực tiễn, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã thay đổi tội danh từ giết người sang cố ý gây thương tích khi xét xử phúc thẩm.
Thống kê cũng cho thấy hầu hết vụ án giết người được thống kê xảy ra trước khi có Công văn số 49 ngày 22-3-2023 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47. Sau khi có công văn này, việc kết tội giết người đối với các bị cáo có hành vi tương tự nêu trên có phần giảm xuống. Vì vậy, các tòa án cần nắm vững Công văn số 49 nêu trên và Công văn số 721 ngày 25-11-2022 của VKSND Tối cao hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47 trong ngành kiểm sát để giải quyết các vụ án cụ thể đúng pháp luật.
Cũng tại hội nghị, nhiều chánh án của các tỉnh, thành dành phần lớn thời gian trình bày, giải thích về Án lệ số 47 này. Các thẩm phán cho rằng Án lệ số 47 đưa ra nhưng không hướng dẫn cụ thể các tình tiết khiến mỗi người áp dụng một kiểu, gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Các thẩm phán kiến nghị TAND Tối cao cần có một văn bản cụ thể hơn để những người tham gia tố tụng hiểu rõ và áp dụng đúng án lệ này, tránh việc xét xử oan sai.
Các thẩm phán cho rằng Án lệ số 47 đưa ra nhưng không hướng dẫn cụ thể các tình tiết khiến mỗi người áp dụng một kiểu, gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn
Trao đổi về Án lệ số 47 tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao, cho rằng phải áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, sau đó mới đến án lệ trong những tình huống cuối cùng, chứ không phải vụ án nào cũng áp dụng án lệ để xét xử tội giết người.
Ông Tuệ nêu ví dụ, nếu người đó đã giết chết một người rồi, sau đó đâm tiếp một người khác nữa mà chưa chết. Trường hợp này áp dụng án lệ để xét việc người đó có ý thức giết chết nhiều người.
“Không phải lúc nào dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu cũng là giết người. Mà phải là đánh vào vùng trọng yếu, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến chết người. Chứ không phải đánh vào vùng trọng yếu mà thương tật có 5%, không gây nguy hiểm đến tính mạng mà xử giết người là không phù hợp” - ông Tuệ nói.
Cũng theo phó chánh án thường trực TAND Tối cao, khi xét xử án giết người cần phải thận trọng hoặc cần xem xét các tình tiết của vụ án, mức độ tấn công của bị cáo, hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng của người khác hay không. Ông Tuệ cho biết sắp tới TAND Tối cao sẽ có văn bản gửi cho công an, VKS nói cụ thể hơn về việc áp dụng Án lệ số 47.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, đồng tình với quan điểm của lãnh đạo TAND Tối cao. Ông Bường mong muốn TAND Tối cao sớm có văn bản hướng dẫn gửi đến các cơ quan tố tụng càng cụ thể, chi tiết càng tốt để hướng dẫn về việc điều tra, truy tố, xét xử án giết người.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết chất lượng xét xử cấp sơ thẩm ngày càng được nâng cao nhưng cần phải nâng cao hơn nữa. Việc tuyên một bản án sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, nếu tuyên sai sẽ gây khiếu kiện kéo dài.
Số liệu thống kê và tổng hợp kết quả xét xử phúc thẩm kỳ này (từ ngày 1-5-2022 đến 15-5-2023) cho thấy chất lượng xét xử của cấp sơ thẩm được nâng lên rõ rệt.
Điều này thể hiện rõ nhất qua số liệu các vụ án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm hủy, sửa bản án, quyết định của tòa sơ thẩm.
Tổng số bản án, quyết định sơ thẩm bị hủy, sửa trong kỳ này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (số án bị hủy giảm từ 47 vụ xuống còn 40 vụ). Đặc biệt, trong số 40 vụ bị hủy thì có 11 vụ do HĐXX cấp sơ thẩm kiến nghị cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại.